Vì sao Nghệ An tạm dừng liên kết giáo dục kỹ năng sống với trường học?
Kinhtedothi - Mới đây, tại Hội nghị triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu tạm dừng việc liên kết giáo dục dạy kỹ năng sống của các trung tâm với trường học.
Để rộng đường dư luận cho câu chuyện vì sao Sở GD&ĐT Nghệ An lại bất ngờ đưa ra yêu cầu tạm dừng liên kết dạy kỹ năng sống giữa các trung tâm với các trường học công lập trên địa bàn toàn tỉnh? Phóng viên đã có trao đổi cụ thể với ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, làm rõ những vấn đề mà các bậc phụ huynh đang hết sức quan tâm này.
Theo đó, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng, nhiều người chưa thật sự hiểu đúng về chuyện tạm dừng liên kết giáo dục kỹ năng sống giữa các trung tâm với các trường công lập trên địa bàn toàn tỉnh mà những năm học qua tại Nghệ An đang thực hiện. Sở chỉ yêu cầu tạm dừng việc liên kết dạy ở các trường công, còn các trung tâm giáo dục kỹ năng sống thì họ vẫn hoạt động bình thường.
Việc tạm dừng liên kết giáo dục giữa các trung tâm kỹ năng sống với các trường học là do hiện nay Bộ GD&ĐT đang sửa đổi thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 về việc Ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, để phù hợp với chương trình phổ thông 2018 và phù hợp với điều kiện giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
Việc tạm dừng một phần nhằm phục vụ cho việc rà soát lại chương trình của các đơn vị cung cấp giáo trình, nội dung giảng dạy có đúng như quy định tại Thông tư 04, tránh việc giáo trình nội dung giảng dạy có sự trùng lặp với những nội dung chính khóa mà học sinh đã được học, được dạy. Xem xét cơ sở vật chất, để bảo đảm việc triển khai đúng chủ trương, chất lượng dạy học, tránh trường hợp hợp đồng một nẻo, thực hiện một nẻo. Rồi đến nội dung về đội ngũ chuyên môn thực hiện giảng dạy, phải có trình độ chuyên môn, đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Nói về chương trình giáo dục kỹ năng sống, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng, chương trình nhằm giáo dục giúp trẻ em phát triển toàn diện và trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giáo viên vẫn triển khai để dạy, tích hợp các tiết dạy, hay có những hoạt động đúng nghĩa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Về lĩnh vực cấp phép hoạt động cho các Trung tâm giáo dục kỹ năng sống, hàng năm Sở GD&ĐT Nghệ An vẫn theo dõi sát sao, thường xuyên tăng cường phối hợp, thanh kiểm tra đối với các trung tâm, cơ sở nhằm bảo đảm việc hoạt động theo đúng pháp luật, quy định của ngành giáo dục trong lĩnh vực cấp phép hoạt động. Việc tạm dừng liên kết giảng dạy với trường công trong thời điểm này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì, vì nội dung chương trình học giáo dục kỹ năg sống không như chương trình chính khóa, có thể dạy tại thời điểm nào cũng không ảnh hưởng tới việc học của học sinh.
Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ sớm ban hành công văn về hướng dẫn liên kết tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục, nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn của trung tâm, cơ sở giáo dục, quy trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là điều kiện tiêu chuẩn về giáo trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên...Khi có các hướng dẫn này thì các đơn vị bám vào đó triển khai thực hiện.
Trao đổi về việc học sinh tham gia học kỹ năng sống trong trường học, một phụ huynh tại TP Vinh chia sẻ: “Từ đầu năm học này phụ huynh đã được giáo viên thông báo lịch học chương trình kỹ năng sống tại trường, chưa thấy đề cập chi phí tiết học nhưng các năm học trước mỗi tiết học kỹ năng sống thì thu 50 nghìn/học sinh/tiết. Việc học sinh học tham gia học kỹ năng sống là cần, nhưng mong rằng để bảo đảm hiệu quả thì không chỉ trường học, ngành giáo dục địa phương cần siết chặt công tác quản lý, giáo trình giảng dạy, đội ngũ tham gia giảng dạy cũng như cơ sở vật chất, thời gian phù hợp”.
Theo thống kế của Sở GD&ĐT, hiện có 152 đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đã được đơn vị cấp giấy phép. Trong số này, tính đến tháng 9/2023, có 18 trung tâm có chương trình được sở thẩm định đủ điều kiện dạy trong các cơ sở giáo dục. Trong năm học 2022-2023 vừa qua, các Trung tâm giáo dục kỹ năng sống đã tổ chức được hơn 4.000 lớp học, với gần 80.000 học viên. Trong đó, có hơn 63.000 học viên ở các lớp học và hơn 16.000 học viên học tại các trung tâm. Nhiều đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, khuôn viên, trang trí, phương tiện, trang thiết bị dạy học đảm bảo, phù hợp.
Tại hội nghị triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào ngày 15/9 vừa qua, đánh giá về nội dung đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào giáng dạy trong các trường học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, chủ trương đưa giáo dục kỹ nắng sống vào giảng dạy trong các nhà trường ở Nghệ An được thực hiện trong vài năm trở lại đây.
Bước đầu triển khai chương trình đã ghi nhận một số kết quả tích cực như góp phần nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cần thiết... Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn có những bất cập, cụ thể khoản thu, chi chưa minh bạch, việc tham gia học trên tinh thần là tự nguyện đăng ký chứ không bắt buộc, rồi cơ sở vật chất còn thiếu... khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Năm học 2022-2023, liên quan tới công tác quản lý nhà nước đối với các trung tâm giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn toàn tỉnh, qua việc thanh, kiểm tra Sở GD&ĐT Nghệ An đã lập biên bản xử lý 4 đơn vị tại TP Vinh do hoạt động có nội dung ngoài cấp phép.
Giáo dục huyện Hoài Đức trước thềm năm học mới
Kinhtedothi - Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa năm học 2023 -2024 sẽ khai giảng, dù vẫn còn một vài khó khăn, nhưng ngành Giáo dục huyện Hoài Đức đã có phương án chuẩn bị đầy đủ để thầy và trò yên tâm bước vào năm học mới...
Ngành giáo dục đào tạo quận Hai Bà Trưng: 12/13 chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc
Kinhtedothi-Với những nỗ lực không ngừng, ngành giáo dục và đào tạo quận Hai Bà Trưng năm học 2022-2023 đã được Sở GD&ĐT Hà Nội công nhận 13/13 chỉ tiêu công tác hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt, trong đó 12/13 chỉ tiêu đạt xuất sắc.
Ngành Giáo dục Ba Vì đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong năm học mới
Kinhtedothi–Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục. Đặc biệt, xem ứng dụng CNTT là công cụ, là chìa khóa để hội nhập, phát triển, nâng tầm giáo dục trong thời kì hiện nay.