Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Viêm gan B và cách phòng bệnh

Kinhtedothi - Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus HBV gây ra, nếu không được điều trị và kiểm soát tốt có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan…

10 - 20% dân số nhiễm viêm gan B
Đầu tuần nên bệnh nhân đến khoa Viêm gan (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) để khám đông hơn ngày thường. Đang ngồi chờ đến lượt vào khám lại, anh Nguyễn Văn Tính (36 tuổi, Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, anh phát hiện viêm gan B cách đây 4 năm, trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Nhưng khi bị virus viêm gan B, con đường sang nước ngoài lao động của anh không còn cơ hội. Sau một thời gian điều trị, lượng virus trong máu giảm mạnh, sức khỏe tiến triển tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tải lượng virus lại có dấu hiệu tăng mạnh trở lại nên bác sĩ phải thay đổi phác đồ điều trị.
Còn chị Trần Thị Loan (40 tuổi, Thái Nguyên) phát hiện mình mang virus viêm gan B trong một lần đi hiến máu nhân đạo ở cơ quan. Đến thời điểm hiện tại, chị Loan điều trị bệnh viêm gan B đã được gần 6 năm. "Khi biết mình bị viêm gan B, tôi hoang mang lắm, không ngờ mình lại mắc bệnh bởi trước đó tôi không có biểu hiện gì về sức khỏe, vẫn ăn uống, sinh hoạt và làm việc bình thường" - chị Loan cho biết.
Cũng theo chị Loan, thời gian đầu điều trị, định lượng virus xuống thấp, có đợt lượng virus còn xuống dưới ngưỡng phát hiện, nhưng 3 tháng sau khám lại lượng virus lại tăng mạnh. Bác sĩ kết luận, chị bị kháng thuốc với viên gan B, phải dùng hai loại thuốc kết hợp và việc điều trị gian nan vất vả hơn rất nhiều, tiền thuốc hàng tháng cũng tăng gấp đôi.
Theo GS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, viêm gan B là bệnh lý về gan do virus viêm gan B (HBV) gây nên. Loại virus này có khả năng truyền nhiễm trực tiếp qua đường máu và qua đường tình dục, và có thể truyền từ mẹ sang con.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm 10 - 20% tổng dân số. Đây chính là nguyên nhân gây ra hơn 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan. Tỉ lệ đồng nhiễm ở người sống chung với HIV cũng vào khoảng 10%. Tỷ lệ người khỏe mạnh mang virus viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%. 
Tiêm vaccine, hiệu quả phòng bệnh đến 95%
Viêm gan B lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng đường máu, qua tinh dịch và các dịch cơ thể khác. Viêm gan B không lây truyền qua việc ăn uống và sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, từ bú sữa mẹ hay các hoạt động như ôm hôn, bắt tay, hắt hơi…

"Thống kê trên toàn thế giới cho thấy, mỗi năm có 1,4 triệu người tử vong vì xơ gan, ung thư gan. Tại Việt Nam, có gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C, đưa Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu, đứng thứ 2 châu Á vì tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan. Viêm gan virus có thể phòng được.

Thế giới đang dồn sức phòng chống viêm gan, phát hiện sớm và chữa sớm bệnh với mục tiêu đến năm 2030 thanh toán viêm gan virus trên toàn cầu.

Việt Nam muốn loại trừ bệnh viêm gan virus vào năm 2030, cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng bệnh." - TS Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Những đối tượng có nguy cơ bị viêm gan B cao gồm, người hay uống rượu, bia, hút thuốc lá, lối sống không lành mạnh như dùng chung kim tiêm, ăn phải một số thực phẩm chứa aflatoxin, chất steroid hoặc dùng nhiều nước nhiễm asen trong dài ngày; người quan hệ tình dục đồng giới nam, người sử dụng chung dụng cụ xăm hoặc châm cứu; đối tượng là vợ hoặc chồng của người mắc viêm gan B... đều có thể mắc bệnh viêm gan.
Các chuyên gia cho biết, việc phát hiện viêm gan B ngay từ khi mới lây nhiễm có ý nghĩa rất lớn trong quá trình điều trị. Ở giai đoạn cấp tính, nếu được phát hiện, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, tránh các hành vi nguy cơ, tiếp xúc với bệnh nhân, tăng cường dinh dưỡng hàng ngày và uống thuốc theo chỉ định thì 90% số bệnh nhân có thể tự khỏi bệnh và không chuyển sang mạn tính.
Tuy nhiên, do chưa có nhiều kiến thức về bệnh, không ít bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội thăm khám và điều trị viêm gan B từ sớm. Theo GS Nguyễn Văn Kính, bệnh viêm gan có thể được phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi. Hiện nay, vaccine viêm gan B có hiệu quả đến 95% trong việc phòng ngừa nhiễm mới viêm gan B. Trong khi đó, người bị viêm gan C nên đi điều trị để chữa khỏi hoàn toàn. Phần lớn người mắc viêm gan C có thể chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 3 tháng.
Để phát hiện sớm bệnh viêm gan B, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ 1- 2 lần mỗi năm để tầm soát bệnh. Với những bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B mạn tính, phải theo dõi, kiểm tra định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để đánh giá chức năng gan cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh, kiểm soát tốt các biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28/7”, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) đã khai trương Trung tâm viêm gan để người dân Thủ đô được khám, xét nghiệm, phát hiện các virus viêm gan, được tư vấn để tránh các nguy cơ lây nhiễm, được tiêm phòng và điều trị sớm nếu mắc bệnh. Theo thống kê, mỗi ngày bệnh viện đón tiếp khoảng 50 bệnh nhân đến khám bệnh lý về gan, những trường hợp nhiễm virus viêm gan B, C, viêm gan nặng sẽ được tư vấn điều trị hoặc chỉ định nhập viện.

Người dân có thể đăng ký qua Fanpage "viemganbvdongda.vn" hoặc website: benhviendongda.vn, điện thoại tổng đài 1900636824 của bệnh viện hoặc liên hệ trực tiếp qua bộ phận chăm sóc khách hàng.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

16/01/2025 | 13:49

Kinhtedothi - Gần đây, số ca mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, virus nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh nhi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền. Đáng nói, nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện muộn.

Tin tài trợ