Việt Nam triển khai thành công nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc phức tạp
Kinhtedothi - Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật liên quan đến tế bào gốc, kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu và bệnh lý huyết học. Công tác truyền máu có những bước đột phá từ khâu vận động hiến máu, xây dựng nguồn người hiến máu, điều phối và đảm bảo an toàn truyền máu.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết tại Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 28-29/11 tại Hà Nội.
Đây là diễn đàn khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - truyền máu được tổ chức định kỳ 2 năm một lần do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, các Trung tâm Huyết học - Truyền máu trong cả nước tổ chức. Hội nghị năm nay quy tụ 1.600 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới.
Các báo cáo, công trình khoa học đã phản ánh quá trình nghiên cứu công phu và những nỗ lực không ngừng của ngành Huyết học - Truyền máu trong phát triển chuyên môn, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới.
Với lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tiếp tục phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này.
Cùng với đó, lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở các bệnh máu; góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý huyết học và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền. Hoạt động phòng bệnh tan máu bẩm sinh, căn bệnh di truyền với 13,8% dân số mang gen bệnh cũng được đẩy mạnh tại nhiều địa phương.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh cho biết, lĩnh vực ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương rất phát triển, với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, đem đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
"Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này" - PGS.TS Nguyễn Hà Thanh chia sẻ.
Thời gian tới, ngành Huyết học - Truyền máu sẽ tập trung vào các kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang phát triển như: ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào như liệu pháp CAR-T, điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới.
Đây là những phương pháp điều trị chính xác, hiệu quả hơn nhiều so với trước kia, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và chữa khỏi bệnh trong một số trường hợp.
Nằm trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra 6 hội thảo vệ tinh và triển lãm y khoa chuyên ngành Huyết học - Truyền máu với 32 gian trưng bày, giúp các cán bộ y tế cập nhật những tiến bộ mới về trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất, sinh phẩm… phục vụ hoạt động chuyên môn.
Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị bệnh suy tim
Kinhtedothi - Lần đầu tiên, tế bào tim có nguồn gốc từ tế bào gốc phôi người được cấy vào tim.
Hà Nội tôn vinh nhiều người hiến máu tiêu biểu
Kinhtedothi - Ngày 12/6, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tổ chức Chương trình tôn vinh người hiến máu tiêu biểu hưởng ứng Ngày Quốc tế hiến máu 14/6 và Tổng kết Tháng nhân đạo năm 2024.
Cảm phục chàng trai Thạch Thất 59 lần hiến máu cứu người
Kinhtedothi – Với tâm nguyện “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, hơn 10 năm qua, Kiều Sĩ Nguyên – Bí thư Chi đoàn thôn 5, đoàn thanh niên xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất đã có 59 lần tình nguyện hiến máu cứu người.