Sở Y tế Hà Nội cho biết đã nhận được báo cáo của Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ về sự việc thai phụ Tại Thị V., 36 tuổi tử vong cùng thai nhi tại bệnh viện.
Theo đó, vào 20 giờ 46 phút ngày 26/9, thai phụ V. nhập viện điều trị nội trú với chẩn đoán thai lần 3, thai 36 tuần, theo dõi rau tiền đạo. Khi nhập viện, thai phụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không phù. Sau đó, thai phụ được làm các xét nghiệm cơ bản và được theo dõi tại bệnh viện.
Đến 2 giờ 30 phút ngày 1/10, thai phụ V. tỉnh, tức bụng dưới, cơn co tử cung thưa. Khoảng 1 giờ sau đó, thai phụ tức bụng dưới, bụng mềm, cơn co tử cung thưa, các bác sĩ đã giải thích cho gia đình và theo dõi tiếp.
|
Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ nơi xảy ra sự việc. |
Đến 4 giờ 10 phút cùng ngày, sản phụ thấy vỡ ối, người khó chịu, khó thở, tức ngực, mệt. Khi khám, bác sĩ phát hiện thấy bụng sản phụ mềm, tim rời rạc, ối vỡ.
Kíp trực chẩn đoán thai phụ bị thuyên tắc mạch nên ngay lập tức hồi sức cấp cứu tích cực. Tuy nhiên, sau 35 phút vẫn không có kết quả, nhịp đập tim thai rời rạc.
Các bác sĩ đã gặp gia đình để giải thích và xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện mổ khẩn cấp lấy thai, hy vọng cứu được thai nhi, phía gia đình cũng đã đồng ý. Bé gái 2,6kg chào đời. Tuy nhiên, lúc đó bé đã tím tái, không có mạch, không tự thở.
Bé sơ sinh tiếp tục được hồi sức cấp cứu trong 1 tiếng nhưng không có kết quả.
Lãnh đạo bệnh viện giải thích, đây là tai biến sản khoa ngoài ý muốn, thai phụ diễn biến rất nhanh, các bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng không thể cứu.
Sau khi thai phụ tử vong, bệnh viện đã mời công an cùng vào cuộc để giám định nhưng gia đình không đồng ý mổ tử thi. Sau đó, bệnh viện đã lập hội đồng chuyên môn, đi đến kết luận nguyên nhân ban đầu tử vong là do thuyên tắc mạch ối.
Đại diện bệnh viện cũng đã có mặt để chia sẻ, động viên với gia đình sau sự việc đáng tiếc.
Được biết, chị V. là giáo viên mầm non tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ. Trước đó, vợ chồng chị đã có 2 con, trong đó con trai lớn 11 tuổi, con gái thứ hai 6 tuổi.
Thuyên tắc ối là một trong những tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong ở mẹ có thể lên đến 90% và ở thai nhi từ 20 - 60%.
Biến chứng này thường xảy ra trong lúc chuyển dạ (chiếm 70%) hoặc mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc nước ối, sau sinh…
Thuyên tắc ối xảy ra đột ngột, diễn tiến cực kỳ nhanh, không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào. Hiện chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu.
Từ kinh nghiệm cấp cứu các ca thuyên tắc ối tại các bệnh lớn như Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân Gia Định… Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy trình cấp cứu nghi thuyên tắc ối.
Trong đó lưu ý, ngay khi sản phụ đột ngột có ít nhất một trong 3 dấu hiệu gồm: Tím tái, khó thở, ngưng thở, oxy trong máy giảm dưới 90%; ngưng tim, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt; chảy máu không có cục máu đông cần lập tức hồi sức khẩn cấp, đồng thời báo động đỏ nội viện hoặc liên viện.
Quy trình cũng nói rõ, song song quá trình thở oxy, hồi sức ngừng tuần hoàn, đặt đường truyền, vận mạch, sốc điện… cho thai phụ cần hồi sức thai để sinh ngay. Nếu bệnh viện có phòng mổ, cần mổ bắt con khẩn cấp.
Sau đó, tiếp tục kiểm soát chảy máu cho sản phụ bằng nhiều biện pháp, có thể cắt tử cung để cầm máu. Tại các bệnh viện tuyến cuối có thể áp dụng thay huyết tương, hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc thận…
Trước đó, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn gửi Sở Y tế Hà Nội về sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. Theo đó, ngày 1/10, các cơ quan truyền thông đã phản ánh về trường hợp sản phụ Tạ Thị V., (sinh năm 1984) đến sinh con tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ từ ngày 26/9. Sau đó, sản phụ được mổ lấy thai lúc 4 giờ ngày 1/10. Tuy nhiên, cả mẹ và thai nhi đã tử vong sau mổ, chưa rõ nguyên nhân. Trước sự việc này, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đề nghị Sở Y tế kiểm tra, xác minh thông tin và gửi báo cáo nhanh về quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của bệnh viện đối với sản phụ Tạ Thị V. trước ngày 7/10. Mặt khác, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em yêu cầu Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với sản phụ V., thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng. Bộ Y tế cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cần rà soát và chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa và sơ sinh trên địa bàn Hà Nội nghiêm túc tuân thủ các quy định dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc khám, chữa bệnh sản phụ khoa. Các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong theo dõi, chăm sóc và xử trí tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ. |