WB: Kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo tăng trưởng 5,5%
Kinhtedothi - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo "Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 1/2022". Theo đó, WB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,5%.
Báo cáo có tiêu đề: "Không còn thời gian để lãng phí: Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam” trong đó khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại. Bởi, thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải carbon cao, gây nhiều ô nhiễm vì chiếm một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm phát thải carbon trong các hoạt động liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, cần hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với áp lực gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính, khách hàng và công ty đa quốc gia với yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ phải xanh và sạch hơn.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/01/14/winmart1.jpg)
Đại diện WB cũng nhấn mạnh, thương mại sẽ là hợp phần chính trong chương trình hành động vì khí hậu của Việt Nam trong những năm tới. Thúc đẩy thương mại xanh không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mà còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đảm bảo thương mại tiếp tục là nguồn tạo thu nhập và việc làm quan trọng.
Đồng thời khuyến nghị, Chính phủ cần hành động trên 3 lĩnh vực gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh, phát triển các khu công nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và không phát thải carbon.
Trong báo cáo này WB cũng đặt ra giả thuyết, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát do đó khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại được niềm tin. Cùng với đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ giữ vững, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.
Tuy nhiên, WB cũng cho rằng triển vọng trên vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro vì diễn biến của đại dịch vẫn chưa rõ ràng. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Chuyên gia phân tích thuộc WB nhận định, các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro nói trên. Các biện pháp về chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tổng cầu trong nước; trong đó, tạm thời có chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho ngành y tế và giáo dục.
Đại diện WB khuyến nghị, các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội cần xác định đúng nhóm đối tượng cần trợ giúp, và triển khai hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.
![WB: Năng suất lao động và phân bổ hiệu quả vốn tạo nền tảng cho kinh tế thu nhập cao](https://resource.kinhtedothi.vn/2021/12/24/d3e53faa-84b0-4ab9-97b7-75c1c2354048.jpg)
WB: Năng suất lao động và phân bổ hiệu quả vốn tạo nền tảng cho kinh tế thu nhập cao
Kinhtedothi - Mô hình phát triển dựa vào năng suất kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên, sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
![WB khuyến nghị Việt Nam nên lưu ý đến lạm phát và bội chi ngân sách](https://resource.kinhtedothi.vn/2021/12/24/5bb4a1c3-ef2c-4b3e-a73c-63de00630161.jpg)
WB khuyến nghị Việt Nam nên lưu ý đến lạm phát và bội chi ngân sách
Kinhtedothi - Chính phủ tiếp tục sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để bù đắp cho tác động tài chính của khủng hoảng Covid-19 dẫn đến tín dụng ngân hàng trong nước tăng trưởng cao và số thu ngân sách sụt giảm nghiêm trọng. Việt Nam cần lưu ý hơn đến khả năng tác động của lạm phát do nới lỏng tiền tệ, bội chi tăng cao, do thu từ thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu.
![WB cảnh báo "vết sẹo vĩnh viễn" do Covid-19](https://resource.kinhtedothi.vn/2022/01/12/vaccine-who.jpg)
WB cảnh báo "vết sẹo vĩnh viễn" do Covid-19
Kinhtedothi - Biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao đã quét qua nhiều quốc gia, buộc các chính phủ phải áp dụng các biện pháp mới và triển khai các mũi tiêm nhắc lại.