Xây dựng NTM ở Hà Tĩnh gắn với khắc phục sự cố môi trường biển
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh trong 5 năm tới có đặc thù là phải gắn với khắc phục sự cố môi trường biển và phòng, chống lũ lụt.
Ngày 4/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại địa phương theo chuyên đề nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trước khi diễn ra hội nghị, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm Người anh hùng của cách mạng Cuba Fidel Castro Ruz, người bạn lớn, thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Báo cáo về quá trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 6,6%/năm, cao gấp đôi bình quân chung cả nước.
Trước đây, toàn tỉnh mới có 1-2 doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ít. Qua hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Hà Tĩnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào nông nghiệp với hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn; bước đầu đã hình thành các chuỗi liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, Hà Tĩnh đã chủ động ban hành các chính sách, kịp thời hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, chỉ đạo thực hiện các giải pháp khôi phục sản xuất. Nhờ vậy, đến nay hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đi vào ổn định; số tàu khai thác ven bờ hoạt động đạt từ 70 - 80%, tàu khai thác xa bờ đạt từ 85 - 90%; sản lượng hải sản khai thác được thu mua và tiêu thụ, giá bán sản phẩm đang tăng dần.
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chương trình này. Từ mức bình quân 3,5 tiêu chí/xã, có đến 181 xã dưới 5 tiêu chí và không có xã trên 10 tiêu chí, tới nay Hà Tĩnh đã đạt bình quân 14,5 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 8 tiêu chí, có 52 xã đạt chuẩn. Năm 2016 dự kiến có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, nhiều kiến nghị đã được cử tri nêu lên, tập trung vào hỗ trợ, trang bị các hệ thống cảnh báo, dự báo, đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm tại thượng nguồn các hồ chứa nước lớn và các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.
Từ thực tiễn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cho thấy, điểm nghẽn then chốt nhất chính là vấn đề đất đai. Quy mô manh mún, nhỏ lẻ, rất khó để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cử tri Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội sửa đổi Điều 129, 130 của Luật Đất đai theo hướng tăng hạn điền hoặc không quy định hạn điền. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện và có chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Luật Đất đai.
Cử tri Hà Tĩnh cũng nêu ý kiến về ban hành các giải pháp thực hiện các tiêu chí nông thôn mới hiệu quả, nhất là các tiêu chí liên quan đến hạ tầng, công trình, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương để tránh thất thoát, lãng phí.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, bày tỏ vui mừng khi trong nhiệm kỳ vừa qua, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - là lĩnh vực có tính chất chiến lược trong phát triển đất nước theo Nghị quyết số 26, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X).
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đó là vấn đề có tính “chiến lược sống còn, là trụ đỡ của nền kinh tế”. Đặc biệt, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn chặt vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quý I/2017 các bộ, ngành sẽ hoàn thành hướng dẫn việc thực hiện 19 tiêu chí cho 5 năm tới, theo tinh thần phân cấp triệt để cho địa phương có thẩm quyền quy định cụ thể tiêu chuẩn của mỗi tiêu chí nông thôn mới, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, các địa phương phải tập trung thực hiện các tiêu chí về thu nhập, đời sống của nhân dân, thay vì chỉ tập trung làm các tiêu chí công trình.
“Giai đoạn tới sẽ là rất khó khăn nên phải đặt quyết tâm cao và giao chỉ tiêu cụ thể thì mới có thể thực hiện được, vì sự phát triển bền vững cho khu vực nông thôn”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, trở thành nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình xét duyệt các xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài 19 tiêu chí phải hoàn thành, nếu nhận thấy nợ đọng còn cao hoặc chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân thấp thì cơ quan chức năng sẽ không công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với các xã này.
Trong quá trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ hai vấn đề quan trọng với Hà Tĩnh là cần gắn quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với việc khắc phục sự cố môi trường biển do Formosa gây ra và khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt.
“Tính toán xây dựng kế hoạch sử dụng đất với bố trí tái định cư, di dân để tránh hậu quả, thiệt hại do lũ lụt. Nếu không tính toán kỹ thì mọi công sức ta làm trong 20, 30 năm chỉ trong 1 đêm là bị lũ lụt xóa sạch thôi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tán thành những kiến nghị của cử tri đối với chính sách dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất nhưng cần lưu ý điều kiện tự nhiên khu vực Bắc Trung bộ và miền núi phía bắc không thuận lợi cho kinh doanh đại điền. Vì vậy, Hà Tĩnh cần thích ứng với quy mô đất đai nhỏ, lẻ bằng việc phát triển các đặc sản của vùng và quốc gia.
“Bưởi Phúc Trạch là đặc sản danh tiếng, giá trị cao sẽ là cứu cánh cho quy mô sản xuất nhỏ, lẻ”, Phó Thủ tướng gợi ý nhưng cũng đề nghị với những ngành hàng, khu vực có thế mạnh, thuận lợi thì phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn, đồng thời có giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, giảm bớt lao động nông nghiệp trực tiếp.