Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Xuân và Tết trong “chuyện cũ Hà Nội"

Kinhtedothi - Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài in lần đầu năm 1980 (tái bản 2004, 2007).

Nói là chuyện cũ mà không cũ, bởi vẫn thấy đầy đủ cái dư vị của đất Hà Thành văn vật kể cả trong những góc khuất nhất, nốt trầm nhất của nó. Đọc sách này ta được củng cố cái tinh thần “ôn cố tri tân” rất cần thiết cho con người hiện đại sống trong thời đại xã hội tiêu dùng, kỹ trị và văn hóa nghe - nhìn.
 
Mẹ vợ tôi quê ở làng Nghĩa Đô, gọi nhà văn Tô Hoài bằng anh, nên tôi vẫn thường hay đi qua chợ Bưởi nhưng không biết rằng “Mỗi tháng có sáu phiên chợ Bưởi, ngày bốn và ngày chín (…). Lại rõ thêm chợ Bưởi có ba phiên chợ Tết vào cuối tháng Chạp: mười chín, hăm bốn, hăm chín. Năm nào hăm chín bắt làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Phiên chợ Tết cũng gọi là phiên chợ trâu bò. Bởi vì, cả năm, chỉ đến chợ Tết, các làng làm ruộng trong vùng mới đem bò ra chợ bán. Rồi lại nghe người ta nói mà biết nhận xét: chợ mười chín là chợ của người có tiền. Ai sẵn tiền thì sắm Tết sớm. Phiên hăm bốn, chợ của mọi người ta thường thường. Chợ hai mươi chín là chợ người nghèo. Nhà nghèo chạy cái Tết bở hơi tai, cho đến hôm tất niên mới mò được ra chợ mua miếng thịt lợn, nén hương gọi là cho có Tết nhất. Vẫn nhớ những phiên chợ Tết Bưởi như vậy. Và nhớ thể nào tôi cũng có bánh pháo tép dài bằng gang tay. Chốc chốc lại ra thúng hàng cụ Lựu mua miếng khế khô tẩm mật gừng về ngậm. Thế nào u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới. Và, cái đầu tôi được cạo trọc lốc, trắng hếu, để ăn Tết”. Tuy nhiên, ngày ấy khi Tết đến trẻ con thì vui sướng còn người lớn thì nửa mừng nửa lo vì “Trẻ con cứ hí hửng cái Tết bé bỏng như thế. Nhưng lại cũng lây người lớn, biết lo buồn cái Tết thật sự. Bởi vì, những ngày áp Tết, nhà tôi thường có người đòi nợ” (Những ngày áp Tết). Dưới ngòi bút của nhà văn Tô Hoài, bao giờ độc giả cũng nhìn thấy có hai Hà Nội - một Hà Nội cổ truyền, hào hoa, thanh lịch và một Hà Nội lầm than. Hai màu sáng tối như tự nhiên đất trời thường là những “gam màu” chính trong trước tác này của nhà văn Tô Hoài. Tôi nghĩ viết như thế mới chinh phục được độc giả trải nghiệm và thông minh.
Trong tâm thức dân gian cái thời khắc chuyển giao của đất trời từ năm cũ sang năm mới được đánh dấu bằng đơn vị thời gian “giao thừa”. Nhà văn Tô Hoài đã viết liền hai bài về cái thời khắc đáng nhớ này: Đêm giao thừa, Đón giao thừa. Cái đêm cuối năm dân gian vẫn gọi là đêm giao thừa là một khoảng thời gian đặc biệt, nó trở nên thiêng liêng trong tâm linh mọi người. Nhưng cảnh đêm giao thừa năm nao hiện lên thật cô liêu “Những giờ phút cuối cùng trong một năm, phố xá vắng ngắt. Chuyến tàu điện chạy vét đã dồn toa về nhà chứa trên Thụy Khuê, bến Hà Đông xe hàng và xe điện Bờ Hồ, chẳng còn một mống người” (Đêm giao thừa). Trong cái đêm giao thừa đặc biệt ấy, nhà nhà, người người náo nức chờ đón thời khắc hồi hộp nhất khi đồng hồ điểm 12 giờ. Lúc đó mọi người đều quây quần trong ngôi nhà ấm cúng của mình để chúc tụng nhau sang năm mới khỏe mạnh, an khang, thịnh vượng. Vậy mà ở ngoài trời vẫn còn một đám trẻ con rất đông còn nấp trong chợ Đồng Xuân “Có đến mấy chục đứa trẻ im lặng ngồi chụm vào nhau cho ấm. Không dám đứng, không dám nói thì thào. Không dám đấu đá nhau (…). Tiếng pháo giao thừa nổ, lan khắp thành phố, ấy là lúc bọn trẻ bíu nhau lũ lượt trèo ra (…). Chốc lát, những đứa trẻ cầu bơ, cầu bất lang thang đi đón giao thừa đã lẫn lộn trong đám người lễ đền Ngọc Sơn, đền Quan Thánh, người đi hái lộc, người xuất hành lấy may” (Đón giao thừa). Cư dân Hà Nội những năm đầu thế kỉ XXI chắc chắn không còn nhìn thấy những cảnh đón giao thừa đến nao lòng như vậy bởi cuộc sống hiện thời chưa phải là chốn thần tiên nhưng cũng không còn cảnh thê lương như thế, nhất là đối với trẻ em. Bây giờ phong vị Tây phương đang lấn sâu vào sinh hoạt tinh thần của người Việt. Cũng là một tất yếu khi thế giới đã là “thế giới phẳng”.
 
Người Việt Nam ta có phong tục khai bút đầu xuân như một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống. Khai bút cũng là một ước vọng “tống cựu nghênh tân” của mọi người sống trên cõi trần gian này. Nhà văn Tô Hoài đã viết bài Khai bút trong tâm thế chung ấy nhưng theo cách cảm riêng của mình: “ Không nhớ tôi còn có cái thích khai bút từ năm nào. Nhưng đến bây giờ vẫn giữ cái thói quen hay hay ấy. Và vẫn nhớ tôi khai bút năm mới từ những năm còn xa xôi với nghề văn. Khai bút loăng quăng vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ… Rõ ràng một điều gì chờ đợi. Đến khi làm nghề văn thì mỗi năm tôi khai bút bằng viết một truyện ngắn (…). Tôi thường viết cái truyện ngắn trong đêm giao thừa cho đến quá nửa đêm. Đêm giao thừa thức nghe cái nửa đêm cuối cũng là cái nửa đêm mới nhất của hai năm nối nhau (…). Biết bao nhiêu người đã không ngủ đêm giao thừa, từ xưa tới nay. Năm cũ qua, năm mới đến, tiếng chuông chùa văng vẳng ngân ngư xa xa, người thắp nén hương mới, người thay bát nước cúng trên bàn thờ rồi bước ra nhìn vòm không và bóng tối quanh mình, như tìm cho thấy kì được sắc xuân đang sang”.

Chơi chùa (hay đi chùa) cũng là một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh của người Việt Nam từ xa xưa nói chung và người Hà Nội nói riêng. Người ta đi chùa ngay sau khi đón giao thừa. Bài Chơi chùa của nhà văn Tô Hoài được viết theo sự trải nghiệm đời sống của một người có cái nhìn dân chủ trước mọi sự vật tồn tại trên thế gian này “Nhưng đi chùa, lên chùa, chơi chùa, mặc dầu có lệ tuần rằm, mùng một và hội chùa, nhưng cửa từ bi thì quanh năm khách thập phương với người làng đến lễ bái ngày nào cũng được (…). Tết nhất chùa chiền càng rộn ràng. Các vãi đã lên nhang đèn sớm tối cả năm, người sắp về cõi càng gần gũi Phật, cả ba ngày tết hầu như thay nhau túc trực đêm ngày trên chùa. Các bác, các cô thì ngày Tết đi chùa xóc thẻ cầu tài, cầu lộc, cầu duyên. Trai thanh, gái lịch chơi chùa làng hay chùa xa suốt mấy ngày Tết. Nhưng thăm thú danh lam thắng cảnh cửa Phật thì lại nhiều nam giới, nhất là các cụ ông”. Đọc đến đây thì tôi chợt hiểu vì sao nhà văn Tô Hoài lại viết là “chơi chùa” (hoặc “đi chùa”, “lên chùa”) chứ không viết là “viếng chùa” hay “thăm chùa”. Phải chăng chùa là một không gian dân chủ, khoáng đạt hơn so với đình, đền, miếu? Nhà văn Tô Hoài đã giải thích “ Cái đình và cái đền, miếu khác hẳn với chùa. Đình miếu tôn nghiêm, chỉ mở cửa khi có sự, các nhà chức việc, các ông từ, ông tự vào ngày sóc vọng thắp hương, ngày hội lễ tế rước xách. Có khi họp hội đồng hay có các quan phủ, quan tổng đốc về. Khách vãng cảnh thì chỉ dạo quanh ngoài”. Bây giờ người ta đi rất nhiều chùa ở Hà Nội, nhưng với nhà văn Tô Hoài thì chỉ có những chùa xa, chùa gần sau nên đi trong dịp Tết: chùa Hương, chùa Quán La, chùa Láng. Bây giờ Hà Nội mở rộng (bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ và một số xã của tỉnh Hoà Bình, có đến 170 chùa), có thể Tết người ta còn đi chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Bà Đá, chùa Kim Liên…Nhưng tôi thấy sự đi chơi chùa ngày nay cũng đã biến tướng vì người ta đi theo tâm lí đám đông, người ta đi để chứng tỏ mình cũng là con người có tâm linh, thậm chí không ít người đi theo sự mê tín đôi lúc cuồng tín.

Đọc bài Tảo mộ của nhà văn Tô Hoài tôi mới thấm thía việc tảo mộ trước Tết (thường là tháng chạp) và sau Tết từ tháng giêng, hai, ba đến tiết thanh minh lại đi tảo mộ. Nhưng “đất lề, quê thói”, ở quê nhà văn thì “Nhưng nền nếp tảo mộ ở quê tôi không chỉ trong tháng ba đi trông nom mộ phần mà lại chú trọng nhất vào tháng chạp lạnh lẽo, mà có nắng ấm quang đãng”, vì đó là “ ngày lành, giờ lành”. Ở quê tôi cũng thường đi tảo mộ vào tháng chạp vì sắp sang năm mới “Con cháu và người thân ra dọn dẹp quét tước nhà cửa - trần gian sao thì âm vậy”. Đại thi hào Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều đã viết về mỹ tục này: “Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”.

Đang có một khái niệm (có người cho như là một môn học) mới “Hà Nội học”. Tôi nghĩ cần thiết đầu tư vào lĩnh vực này như học giả Nguyễn Vinh Phúc đã tận hiến trong im lặng và âm thầm mấy chục năm qua. Đọc Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài để thêm hiểu và thêm yêu Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến. Tất nhiên có thể yêu mà không cần hiểu, nhưng nếu hiểu sâu sắc hơn thì yêu vì thế cũng sâu sắc hơn./.
Hà Nội, tháng 12 năm 2016

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chợt thấy hoa đào, gợi bao chuyện cũ!

Chợt thấy hoa đào, gợi bao chuyện cũ!

13/01/2025 | 14:35

Kinhtedothi - Tôi không sinh ra tại Hà Nội, nhưng sống và gắn bó với những con người hồn hậu nơi đây, tôi đã lỡ yêu những nét văn hoá nơi này. Con người và mảnh đất Tràng An thanh lịch có sức lôi cuốn kỳ lạ với tôi, khiến tôi luôn tò mò muốn được cảm nhận, khám phá.

Chộn rộn mùa Tết

Chộn rộn mùa Tết

10/01/2025 | 09:02

Kinhtedothi - Với bạn, mùa Tết là khoảng thời gian nào? Với tôi, mùa Tết bắt đầu từ tháng Chạp. Những ngày này, phố Hà thành chộn rộn không khí Tết. Vạt nắng mỏng nhẹ ngày cuối Đông quyện làn hương phiêu bồng của khúc giao mùa khiến phố Hà thành mang vẻ đẹp vừa lạ, vừa

Nơi lưu giữ những ký ức thanh xuân

Nơi lưu giữ những ký ức thanh xuân

08/01/2025 | 14:33

Kinhtedothi - Ẩn mình trong gió lạnh, nắng Đông luôn mang đến cảm giác tươi vui, ấm áp, dịu nhẹ. Cũng giống như con người, bước qua những ngày giông bão, bước qua những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc đời, ngửa mặt lên lại thấy bầu trời chan chứa nắng!

Isaac gây "chấn động" với diện mạo đẹp trai tại sự kiện

Isaac gây "chấn động" với diện mạo đẹp trai tại sự kiện

30/12/2024 | 10:45

Cuối tuần qua, Isaac -chàng thủ lĩnh của 365 trong chương trình Anh trai say hi đã xuất hiện tại một sự kiện ở TP Hồ Chí Minh. Anh đốn tim fan khi diện outfit trẻ trung, áo da đen kết hợp cùng 1 mẫu sản phẩm trong BST kính mắt The Rock by HMK Vietnam.

Câu chuyện cuộc sống: hạnh phúc vẹn tròn

Câu chuyện cuộc sống: hạnh phúc vẹn tròn

28/12/2024 | 21:37

Kinhtedothi - Anh Công từng có thời gian 5 năm làm việc tại Hàn Quốc. Khoảng thời gian dài đằng đẵng, cả gia đình anh đã cùng nhau cố gắng để có một tương lai tươi sáng hơn.

Tin mới
Gỡ vướng để hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc trong năm 2025

Gỡ vướng để hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc trong năm 2025

29/01/2025 | 21:42

Kinhtedothi- Theo Bộ GTVT, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trong năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác 2.021km đường cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc trong năm 2025, cần hoàn thành thêm khoảng 1.000km.

Hà Nội xác định 10 nhóm giải pháp căn cơ đẩy lùi ùn tắc giao thông

Hà Nội xác định 10 nhóm giải pháp căn cơ đẩy lùi ùn tắc giao thông

29/01/2025 | 21:38

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng Đề án tổng thể giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP, giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, có 10 nhóm giải pháp lâu dài, căn cơ nhằm từng bước giải quyết nguy cơ UTGT trong hiện tại và cả tương lai.

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

28/01/2025 | 10:56

Kinhtedothi - Đường sắt đô thị (ĐSĐT) được ví như xương sống của hệ thống giao thông công cộng bởi năng lực vận chuyển ưu việt. Hơn nữa, ĐSĐT còn là phương tiện chủ đạo để những đô thị lớn như Hà Nội kiến tạo một hệ thống giao thông xanh, bến vững.

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

28/01/2025 | 10:51

Kinhtedothi - Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2024 đã xử phạt hơn 748 trường hợp vi phạm trông giữ xe, phạt tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng liên ngành cùng địa phương tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP.

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

27/01/2025 | 08:34

Kinhtedothi - Những ngày sát Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trên công trường khoan hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn nhộn nhịp công nhân, kỹ sư cùng máy móc ầm ì hoạt động. Để bảo đảm “đường găng” tiến độ, công trường sẽ nghỉ Tết muộn và quay trở lại làm việc từ sớm.

Tin Tài Trợ