Xuất khẩu Hà Nội vượt khó
Kinhtedothi-Năm 2023, xuất khẩu của Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi thương mại toàn cầu suy giảm khiến DN thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực và giải pháp thích ứng, xuất khẩu Hà Nội đã “vượt sóng” thành công, tạo tiền đề quan trọng, góp phần đưa Thủ đô vững bước phát triển vào năm 2024.
Những điểm sáng
Thông tin từ Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, trong năm 2023 xung đột Nga – Ukraine, lạm phát thế giới tăng cao làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị thu hẹp. Ngoài ra, giá xăng dầu, gas, sắt thép… tăng khiến chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Đồng thời, kinh tế thế giới chưa hồi phục đã khiến DN thiếu đơn hàng kéo theo sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP Hà Nội năm 2023 đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 54,4 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước như máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,068 tỷ USD, tăng 2,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD, tăng 17,2%; xăng dầu đạt 1,392 tỷ USD, tăng 1,5%; hàng nông sản đạt 1,075 tỷ USD, tăng 23%...
Điều đáng ghi nhận là DN Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào DN FDI khi kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt 9,5 tỷ USD , chiếm tỷ trọng 57%, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43%, giảm 9,6%.
Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các DN Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới. Theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài giảm đơn hàng, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang thông tin, để tăng kim ngạch xuất khẩu các DN ngành dệt may cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đang tập trung tận dụng Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường EU. Đồng thời tăng cường tìm kiếm thị trường mới như châu Phi, Nga…
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh khó khăn do lạm phát thế giới tăng cao, các DN nỗ lực thực hiện những cách thức xuất khẩu mới như xúc tiến thương mại trực tuyến, xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử lớn hoặc tập đoàn bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, MM Mega Market...
Đồng thời đẩy mạnh kết nối giao thương giữa DN Việt Nam với thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU... Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú cho biết, nhờ chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử nên sản phẩm xuất khẩu Thạch Bàn qua sàn thương mại điện tử đã chiếm tỷ lệ 20% sản lượng hàng hóa.
“Hoạt động xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… đang là hướng đi mà nhiều DN tăng cường triển khai bởi hình thức này giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, thời gian chuyển hàng, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với xuất khẩu theo cách truyền thống” - bà Trần Thị Hoài Tú nêu rõ.
Kỳ vọng tăng tốc trong năm 2024
Phát huy những thành công đã đạt được, năm 2024 ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2023. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý IV/2023 là một trong những yếu tố để các DN xuất khẩu tin tưởng bức tranh thị trường 2024 sẽ khởi sắc hơn năm 2023.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, hiện DN đã đủ đơn hàng cho quý I/2024, song vẫn ít hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, tình hình có thể cải thiện vào quý II/2024, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, hỗ trợ DN phục hồi. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho DN dệt may.
Nhằm hỗ trợ DN ngăn chặn đà giảm tốc của hoạt động xuất khẩu, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các DN khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA. Đồng thời hỗ trợ DN hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để phổ biến đến các DN trên địa bàn Hà Nội.
Không chỉ có vậy, để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, ngành Công Thương sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước...
Nhằm hỗ trợ DN tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng yêu cầu ngành Công Thương Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, giúp DN đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài bởi đây là một trong những giải pháp để tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Hoạt động xúc tiến thương mại của Hà Nội sẽ được đẩy mạnh để giúp các DN tìm các đối tác xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, các DN cũng cần đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
Kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước
Kinhtedothi - Tăng trưởng GRDP của Hà Nội được duy trì, đạt gấp 1,6 lần mức tăng cả nước. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97% - là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép xung đột vũ trang Nga - UKraine và tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.
Kinh tế Hà Nội nỗ lực vượt khó
Kinhtedothi- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức của năm 2023, TP Hà Nội đã nỗ lực vượt khó, kinh tế duy trì tăng khá.
Kinh tế Hà Nội - đầu tàu kết nối và lan tỏa
Kinhtedothi-Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, mà còn là trung tâm kinh tế có sức hấp dẫn, kết nối, lan tỏa nguồn động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.