Wednesday, 09:01 25/04/2018
Yêu cầu mở 3 đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn: Khó đạt mục tiêu?
Kinhtedothi - Theo yêu cầu của Ủy ban ATGT Quốc gia và Cục CSGT (Bộ Công an), trong năm 2018 và đầu năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ mở 3 đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, có thể kết quả xử lý sẽ không đạt hiệu quả cao.
Báo cáo của Cục CSGT, năm 2016, CSGT toàn quốc đã xử lý 4.250.114 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó có 180.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 4,2%). Năm 2017, trong tổng số 4.032.822 trường hợp vi phạm, có 159.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 3,9%).
Theo yêu cầu, đợt 1 về cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn đã bắt đầu từ ngày 16/4 - 15/5, đợt 2 từ 16/8 - 15/9 và đợt 3 từ ngày 16/12/2018 - 15/2/2019. Để tổ chức thành công, Cục CSGT đã yêu cầu CSGT Công an các đơn vị địa phương tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát địa bàn, tuyến giao thông và các khu vực có nhiều quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí... để nắm quy luật về thời gian, tuyến đường có nhiều lái xe tham gia giao thông sử dụng bia, rượu; lựa chọn vị trí trên tuyến giao thông thuận lợi cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng khu dừng phương tiện xử lý không gây UTGT; hạn chế tối đa việc để các phương tiện quay đầu trốn tránh cũng như chuẩn bị đủ mạnh về phương tiện, công cụ hỗ trợ, lực lượng nhằm tăng hiệu quả xử lý.Đây là một trong những hoạt động nhằm tăng cường tuyên truyền và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã bắt tay ngay vào việc triển khai kế hoạch trên. Tuy nhiên, tại Hà Nội, đến thời điểm này, theo ghi nhận của phóng viên, CSGT Hà Nội dường như vẫn “tiến thoái lưỡng nan” trong việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch này.Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một số Đội CSGT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã nhận được yêu cầu của Phòng CSGT, nhưng là nhiệm vụ tăng cường tuần tra kiểm soát, không được lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nhiều ý kiến cho rằng, để xử lý các hành vi trên một cách hiệu quả nhất, lực lượng CSGT phải mật phục tại các nhà hàng, quán bia để phát hiện vi phạm, sau đó thông báo cho lực lượng CSGT tại chốt tiến hành dừng xe kiểm tra, xử lý. Nhưng theo Mệnh lệnh 02 của Giám đốc Công an TP có hiệu lực hết năm 2018, lực lượng CSGT và công an các đơn vị không được phép lập chốt xử lý vi phạm nên có thể sẽ bỏ lọt nhiều vi phạm. Có thể nói, Mệnh lệnh 02 của Giám đốc Công an TP Hà Nội sau hơn một tháng triển khai đã góp phần đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT trên địa bàn TP, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, nhất là dịp nghỉ 30/4, 1/5 - kéo dài 4 ngày đã cận kề, và trong dịp này, có thể thói quen sử dụng rượu bia tăng cao, thiết nghĩ, Công an TP Hà Nội cần tính toán lại một số nội dung của Mệnh lệnh 02, như quy định cấm lực lượng CSGT lập chốt xử lý vi phạm giao thông. Bởi việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ là biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.