60 trường đại học lớn từ Mỹ dự triển lãm giáo dục tại Hà Nội
Kinhtedothi - Triển lãm giáo dục Mỹ EducationUSA 2024 không chỉ mở ra cánh cửa tri thức mà còn thắt chặt mối quan hệ giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ.
Chiều 2/10, Triển lãm Giáo dục Mỹ EducationUSA 2024, do Văn phòng Giáo dục Mỹ EducationUSA, trực thuộc phòng Văn hóa – Thông tin, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức, đã diễn ra tại Khách sạn Melia, Hà Nội.
Sự kiện quy tụ đại diện của 60 trường đại học và cao đẳng uy tín trên khắp nước Mỹ, gồm nhiều trường đại học nghiên cứu hàng đầu, các học viện nghệ thuật danh tiếng và các trường cao đẳng nhiều năm gắn bó với Việt Nam, Đây là cơ hội để học sinh, sinh viên trong nước trực tiếp trao đổi với đại diện trường, tìm hiểu thông tin chi tiết về các chương trình đào tạo đa dạng, từ cao đẳng, đại học cho đến sau đại học.
Điểm nhấn của triển lãm EducationUSA là thông tin về chính sách học bổng. Đây là dịp các trường đại học ở Mỹ giới thiệu chi tiết chương trình học bổng cho sinh viên quốc tế, giúp học sinh Việt Nam hiện thực hóa ước mơ du học với chi phí phải chăng.
Bên cạnh đó, sự kiện còn giới thiệu nhiều lựa chọn học tập khác như: Chương trình hè - trải nghiệm môi trường học tập tại Mỹ trong thời gian ngắn; Chương trình chứng chỉ cho những người muốn nâng cao kỹ năng trong một lĩnh vực cụ thể; Khóa học tiếng Anh giúp học sinh cải thiện khả năng ngôn ngữ, chuẩn bị tốt cho việc du học.
Ngoài ra, tại triển lãm, viên chức lãnh sự sẽ chia sẻ quy trình, thủ tục và những lưu ý quan trọng khi xin thị thực, giúp học sinh, sinh viên tự tin hơn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học.
"Triển lãm EducationUSA 2024 không chỉ là cầu nối giữa học sinh, sinh viên Việt Nam và các trường đại học ở Mỹ, mà còn là nơi khơi dậy ước mơ du học của hàng nghìn bạn trẻ. Chúng tôi tin rằng, mỗi cuộc gặp gỡ tại đây sẽ mở ra cơ hội mới, hành trình mới cho tương lai của các em", đại diện ban tổ chức sự kiện chia sẻ.
Giáo dục là "trụ cột" trong quan hệ Việt-Mỹ
Triển lãm Giáo dục Mỹ EducationUSA 2024 còn có sự góp mặt của ông Marc Knapper - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong việc thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện.
“Tôi hoàn toàn đồng ý rằng giáo dục là trụ cột trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Mối liên kết này đã có từ trước thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ, khi chúng ta từng có Chương trình Fulbright giúp đưa người Việt Nam đến Mỹ du học từ năm 1993”, ông Marc Knapper tuyên bố.
Cũng theo Đại sứ, hiện có khoảng 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Nếu tính cả các chương trình trao đổi và học kỳ ngắn hạn khác, con số đó có thể lên tới khoảng 300.000. Giáo dục là cây cầu nối không chỉ giúp 2 nước thêm thấu hiểu nhau, mà còn góp phần đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề, tạo ra lực lượng lao động người Việt Nam phù hợp với những xu hướng nghề nghiệp của thế kỷ 21.
"Điều đó còn giúp nâng tầm Việt Nam trong chuỗi giá trị, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao như những gì nước này khao khát, và Mỹ rất mong muốn góp một phần cho thành tựu này”, ông nói thêm.
Đề cập đến mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn của Việt Nam trong năm 2030, ông Marc Knapper cho rằng điều đó hoàn toàn khả thi. Các chương trình phía Mỹ đang triển khai hiện nay, như việc tiểu bang Arizona tận dụng vốn tài trợ của chính phủ liên bang để mở các chương trình giảng dạy, đào tạo giáo sư và giảng viên, sẽ giúp đẩy nhanh những nỗ lực tăng cường lực lượng lao động của Việt Nam cả về chất và lượng.
“Tôi nghĩ những nỗ lực của các cơ sở giáo dục, chẳng hạn như Đại học Fulbright Việt Nam, sẽ góp phần củng cố và mở rộng lực lượng lao động khoa học công nghệ của Việt Nam. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng việc đạt được những mục tiêu kể trên là khả thi, và Mỹ rất hãnh diện khi trở thành đối tác của Việt Nam để hiện thực hóa nguyện vọng này”, đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết.
Việc tổ chức các sự kiện như Triển lãm Giáo dục Mỹ EducationUSA 2024 cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa “học” và “hành”. Theo Đại sứ Marc Knapper, tất cả trường đại học, cao đẳng của Mỹ có đại diện ở sự kiện này đều là môi trường để học sinh, sinh viên Việt Nam vừa học tập, vừa có cơ hội thực hành các kiến thức chuyên môn ở môi trường thực tế. Từ đó, các em có thể mang những kinh nghiệm này về Việt Nam để đóng góp cho sự phát triển của nước nhà, Đại sứ nhấn mạnh.
Phái đoàn nông nghiệp lớn nhất Mỹ tới Hà Nội thưởng thức "mỹ vị"
Kinhtedothi - Phái đoàn do Bộ Nông nghiệp Mỹ chủ trì lần này có số lượng doanh nghiệp nông nghiệp kỷ lục tới Việt Nam.
Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác Châu Mỹ
Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định 2382⁄QĐ-BCT ngày 05 tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế “Hiệp định CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác Châu Mỹ”
Petrovietnam ký MOU với các đối tác Mỹ về chuyển đổi số, năng lượng bền vững
Kinhtedothi - Trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Petrovietnam đã ký các Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các Tập đoàn Kellogg Brown & Root (KBR) và GE Digital International LLC (thuộc Tập đoàn GE) về thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động và phát triển nhiên liệu xanh, bền vững.