Bài học lớn với Sabeco, Habeco, Vinamilk
Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận đợt đấu giá thoái vốn nhà nước tại Vinamilk ngày 12/12 đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế và là một bài học lớn cho các thương vụ tiếp theo tại Vinamlik cũng như các doanh nghiệp lớn khác như Sabeco, Habeco.
Tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính ngày 23/12 về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, đã đưa ra những nhận định về kết quả của cuộc đấu giá 9% cổ phần Vinamilk cùng những bài học rút ra từ phiên đấu giá lịch sử này.
Ông Tiến cho rằng cuộc đấu giá này đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần với giá trị bằng 10% giá trị đặt mua và cơ chế đấu giá.
Thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.
Cũng theo ông Tiến, các giao dịch tương tự ở nước ngoài được thực hiện theo phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá, phương thức này ghi nhận tổng hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó xác định cơ cấu, khối lượng, giá bán một cách tối ưu ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi theo nhu cầu thực tế của thị trường. So với chào bán cạnh tranh thì phương thức dựng sổ phù hợp hơn với nhu cầu của các nhà đầu tư là tổ chức lớn về thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin đặt mua của nhà đầu tư và bảo đảm các nhà đầu tư đều được mua ở cùng một mức giá.
Mặt khác, việc thời gian hẹp và gấp gáp là một trong các nguyên nhân khiến đợt đấu giá không bán hết lượng chào bán.
“Thời điểm bán vốn vừa rồi của Vinamilk rơi đúng vào lúc các nhà đầu tư nước ngoài tất toán để nghỉ Tết nên chỉ bán 9%, nếu bán nhiều là vỡ trận ngay. Mức giá đưa ra 144.000 đồng/cổ phiếu là hợp lý với giá trị doanh nghiệp, còn giá thị trường thấp hơn lên xuống như thời tiết, hơn nữa giá cổ phiếu VNM cũng dễ bị thao túng bởi các ông lớn”, ông Tiến khẳng định nếu đưa ra giá thấp, nhà đầu tư cũng sẽ đánh giá thấp.
Tuy đấu giá “ế” song ông Tiến vẫn khẳng định Vinamilk rất tiềm năng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ vì giá mà còn ở tiềm năng phát triển. Bởi cổ đông nước ngoài mua Vinamilk không chỉ vì mức giá mà còn vì họ muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
“Nếu bán tiếp vốn ở Vinamilk họ sẽ mua ngay”, ông Tiến nói. Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh đợt bán vốn tới sẽ có nhiều hơn sự tham gia của nhà đầu tư.
Các đợt bán vốn tiếp theo của các doanh nghiệp lớn sẽ phải chuẩn bị trước, chú trọng khâu quảng bá lộ trình bởi nếu thông tin không đúng có thể gây biến động giá.
“Đây là bài học cho các thương vụ thoái vốn lớn như Habeco, Sabeco để đạt được hiệu quả cao nhất”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 12/12, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM và SCIC tổ chức chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Vinamilk (mã chứng khoán VNM). Kết quả, 78.378.300 cổ phần tương ứng 5,4% vốn điều lệ được bán cho 2 tổ chức nước ngoài với giá là 144.000 đồng/cổ phần.
Mức giá bán thành công, cao hơn giá đóng cửa cổ phiếu VNM tại ngày bán là 7,7%, tổng giá trị bán được cao hơn là 800 tỷ đồng.
Từ đợt bán cổ phần lần này, để thực hiện các đợt bán cổ phần Nhà nước quy mô lớn lần sau thành công hơn, SCIC cho biết sẽ tổng hợp phản hồi của thị trường và các đơn vị tư vấn để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản pháp luật cho phép các cơ chế bán cổ phần linh hoạt và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế như bỏ quy định về đặt cọc, nghiên cứu luật hóa phương thức dựng sổ…