Bàn giải pháp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc
Kinhtedothi - Hướng đến nâng cao giá trị, phát triển ngành sầu riêng bền vững, cuối giờ chiều 12/9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Triển khai xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc”.
Thông tin tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, các vùng trồng đã được cấp mã số khoảng 3.000ha, sản lượng ước tính khoảng 68.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, theo đăng ký của các doanh nghiệp, đến nay sản lượng đã lên đến 1,3 triệu tấn.
Theo ông Hoàng Trung, nếu không kiểm soát chặt chẽ và không tuân nghiêm túc quy định của Nghị định thư đã ký kết sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm các quy định xuất khẩu và có nguy cơ mất uy tín nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Để đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, các đại biểu cho rằng, cần tổ chức lại sản xuất gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Cùng với đó, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.
Đắk Lắk là địa phương chiếm tỷ lệ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lớn nhất đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Chia sẻ tại hội nghị, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn khẳng định: Tỉnh sẽ tập trung cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đảm bảo để các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trước mắt cũng như từ nay đến cuối vụ đạt các tiêu chí theo yêu cầu của phía Trung Quốc; đặc biệt là sẽ chú ý phòng chống gian lận liên quan đến mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói.
Tính đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng sang hơn 20 thị trường trên thế giới, với chất lượng sầu riêng được người tiêu dùng các nước đánh giá cao. Giá cả cũng rất cạnh tranh với một số nước như: Thái Lan, Malaysia…
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Mười cho rằng, doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu lô hàng khoảng 100 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, đề nghị cần có hướng dẫn các doanh nghiệp về dư lượng những chất bảo quản được phép sử dụng trên sầu riêng xuất khẩu để đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ phía thị trường xuất khẩu.
“Dự kiến trong tháng 11 sẽ xuất khẩu khoảng 100 tấn. Thị trường cũng khá khắt khe và đây là lần đầu tiên doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này, vì vậy, các công đoạn được doanh nghiệp rất chú trọng để xuất khẩu thành công ngay trong những lô đầu tiên” - ông Nguyễn Đình Mười chia sẻ.
Nhấn mạnh “hệ sinh thái sầu riêng” với hình ảnh là ngành hàng sầu riêng với sự tham dự của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đại diện nông dân, hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, ngành hàng này còn rất nhiều tiềm năng, song cũng không ít thách thức.
“Tổ chức sản xuất ngành hàng sầu riêng không chỉ đơn thuần về vấn đề kỹ thuật mà phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài từ 5 năm đến 10 năm tới trong việc hướng đến các thị trường xuất khẩu đem lại giá trị cao. Để làm được điều này, phải xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước…” - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi
Kinhtedothi - Bằng nhiều giải pháp thiết thực, Hà Nội đã xây dựng thành công mạng lưới tiêu thụ nông sản, tăng gắn kết nông dân với DN, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đối mặt nhiều rào cản mới
Kinhtedothi - Chính sách “Zero covid” và các quy định về nhập khẩu nông sản của chính phủ Trung Quốc khiến việc xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường này ngày càng khó khăn hơn.
Tìm đầu ra cho nông sản của các hợp tác xã
Kinhtedothi - Nhằm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Liên minh HTX TP Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho nông sản của các thành viên.