Bí thư Thành uỷ: Luật Thủ đô phải giải quyết được các hạn chế, bất cập
Kinhtedothi- Theo Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được các hạn chế, bất cập, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô...
Chiều 14/7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Thành uỷ chủ trì cuộc làm việc với Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng chủ trì cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng Ban soạn thảo. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập.
Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh - Phó Trưởng Ban soạn thảo; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban soạn thảo.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trong quá trình soạn thảo, Tổ biên tập, Thường trực Tổ biên tập và các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội rất trách nhiệm, chủ động, tích cực tham mưu, giúp Ban soạn thảo trong việc chuẩn bị dự án Luật. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan. Do vậy, mặc dù thời gian gấp gáp, nhưng đến nay đã có được dự thảo Luật cùng dự thảo Tờ trình khá dày dặn, công phu.
Trình bày về một số nội dung lớn của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Dự Luật gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất TP Hà Nội và cơ quan, tổ chức có liên quan của thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, bảo đảm điều kiện cần thiết để thực hiện tốt các công việc tiếp theo trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện, làm việc với các bộ, ngành có liên quan và trình các cấp có thẩm quyền Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trao đổi tại cuộc làm việc, các ý kiến nêu lên sự cần thiết phải xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Trong đó tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt là về biên chế cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố Hà Nội, thể hiện chính sách có tính vượt trội. Để thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cao, ngoài đãi ngộ, cần có chính sách trọng dụng nhân tài. Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu ý kiến về việc thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù; thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội…
Luật Thủ đô có ý nghĩa vô cùng đặc biệt
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc của Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trong một thời gian rất ngắn đã hoàn thành bản thảo với nội dung đã thể hiện được một số cơ chế có tính khả thi. Bản thảo lần này có chất lượng tốt hơn so với phiên bản trước đó.
Lưu ý một số nhiệm vụ, vấn đề cần tiếp tục quan tâm thực hiện trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Luật bảo đảm chất lượng. Trong đó, phải rút kinh nghiệm từ hạn chế của Luật Thủ đô 2012, thể hiện được yêu cầu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là có cơ chế đặc thù, vượt trột cho Thủ đô phát triển.
Nhấn mạnh mấu chốt là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thủ đô, tuy nhiên, theo Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Thành uỷ, cần phải có cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện. Phải nhận thức rõ rằng, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước; không chỉ huy động nguồn lực trong nước mà còn phải huy động cả nguồn lực ngoài nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được các hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...
Nhất trí với các kiến nghị của Ban soạn thảo; bảo đảm mọi điều kiện cần thiết hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý một số nội dung mang tính kỹ thuật và vấn đề cần thiết để thống nhất nhận thức như: Việc sử dụng từ “Thủ đô” bảo đảm thống nhất, xuyên suốt vì đây là Luật Thủ đô; nêu khái niệm “thành phố trực thuộc Thủ đô” ở mức vừa phải, vì việc thực hiện phải căn cứ vào quy hoạch và các điều kiện cụ thể thực tế...
“Ngoài ra, cần nêu bật được phần nội dung về Vùng Thủ đô, nhất là vai trò, vị trí của Vùng Thủ đô và Thủ đô làm căn cứ để định hình các cơ chế đặc thù vượt trội cho Thủ đô và Vùng Thủ đô phát triển” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và ý kiến của các đại biểu, chuyên gia. Đồng thời khẳng định, vẫn còn khá nhiều việc cần làm trong công tác soạn thảo, biên tập Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khi thời gian còn lại không nhiều.
Nhấn mạnh một số điểm mới trong ý kiến chỉ đạo cũng như ý kiến của các đại biểu và chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định sẽ tiếp thu và nghiên cứu; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội nhằm hoàn chỉnh các bước theo quy định trước khi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội trong thời gian tới.
Sửa Luật Thủ đô: Tạo sự chủ động, sáng tạo cho Hà Nội
Kinhtedothi - Tại cuộc họp Tổ biên tập dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Hà Nội.
Đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên cả nước
Kinhtedothi - Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội vừa sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.
Sửa Luật Thủ đô: Tạo đột phá thể chế, thuận lợi cho Thủ đô phát triển
Kinhtedothi - Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển...