Bình Dương làm tốt công tác giảm nghèo
Kinhtedothi - Theo thống kê, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh Bình Dương còn 5.072 hộ nghèo. Chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh hiện nay quy định thu nhập ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chuẩn Trung ương 1,4 lần.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương, trong năm 2023, Sở đã phối hợp tổ chức hơn 18 lớp tập huấn hướng dẫn chủ trương, chính sách giảm nghèo, nâng cao năng lực công tác giảm nghèo, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo với hơn 5.000 lượt người tham dự.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Bình Dương còn 5.072 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,28%; 1.600 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,4%. Công tác giảm nghèo theo tiêu chí của tỉnh đã vượt chỉ tiêu.
Chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Bình Dương hiện nay quy định thu nhập ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chuẩn Trung ương 1,4 lần; khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chuẩn Trung ương 1,3 lần.
Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Để thực hiện giảm nghèo hiệu quả, công tác rà soát, tiếp cận hộ nghèo phải được thực hiện tốt rồi mới đến thực hiện hỗ trợ chính sách, vay vốn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Khi nắm rõ từng hoàn cảnh, sẽ biết người nghèo, hộ nghèo đang cần gì, thiếu gì để thoát nghèo, từ đó hỗ trợ cho đúng".
Được biết, trong năm 2023, Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương quan tâm chăm lo nhà ở cho hộ nghèo. Qua đó, đã xây dựng, sửa chữa 107 căn nhà đại đoàn kết với kinh phí 8,38 tỷ đồng (kinh phí vận động); tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay 43,1 tỷ đồng vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo luôn được các địa phương của tỉnh chú trọng.
Tại Bình Dương đang triển khai những mô hình mang lại hiệu quả như mô hình 5+1, tức 5 hội viên giúp 1 hội viên thoát nghèo bằng ngày công, cây, con giống và hỗ trợ tiền. Trong năm có 6 hộ hội viên thoát nghèo nhờ mô hình này.
Hay như mô hình “Dạy nghề gắn tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng” do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh phối hợp Phòng LĐTB&XH các huyện, thị, thành phố thực hiện. Với mô hình này trong năm 2023 có 14 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tham gia học nghề. Tính từ năm 2018 đến nay đã có 71 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật tham gia học nghề theo mô hình này.
Năm 2024, Bình Dương tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội... với mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn 1,2%.
Hiệu quả thiết thực trong xóa đói giảm nghèo ở huyện Phú Xuyên
Kinhtedothi - Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, UBND huyện Phú Xuyên đã tập trung nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, đến nay huyện hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm số hộ khó khăn về nhà ở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân, cả nước
Kinhtedothi - Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc.
Ba Vì tập trung xóa đói giảm nghèo tại các xã miền núi
Kinhtedothi - Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì đã có bước chuyển mình đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.