Bỏ qua lo ngại của phương Tây, Ả Rập Saudi đầu tư “khủng” vào Trung Quốc
Kinhtedothi - Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi tuyên bố nước này muốn hợp tác, chứ không phải cạnh tranh với Trung Quốc, phớt lờ những lo ngại của phương Tây về quan hệ ngày càng gắn chặt giữa Riyadh và Bắc Kinh.
Ả Rập Saudi đã công bố các thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD giữa Trung Quốc và thế giới Ả Rập trong ngày đầu tiên của Hội nghị Kinh doanh Ả Rập-Trung Quốc lần thứ 10 ở thủ đô Riyadh.
Đây là lần đầu tiên Riyadh đăng cai tổ chức Hội nghị Kinh doanh Ả Rập-Trung Quốc. Diễn ra từ ngày 11-12/6, hội nghị thu hút hơn 3.500 quan chức chính phủ và đại diện doanh nghiệp từ Trung Quốc và các nước Ả Rập, theo thông báo từ Bộ Đầu tư Ả Rập Saudi.
Tuyên bố của Ả Rập Saudi nêu rõ hội nghị "đánh dấu ngày đầu tiên với việc ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD", phần lớn trong số đó dành cho các dự án ở Ả Rập Saudi hoặc các dự án do các công ty và tổ chức chính phủ nước này thực hiện.
Hội nghị đạt được các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, tài nguyên thiên nhiên và du lịch.
Ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, Bộ Đầu tư Ả Rập Saudi đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 5,6 tỷ USD với nhà sản xuất ô tô điện Human Horizons của Trung Quốc.
Theo Reuters, là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, mối quan hệ song phương Ả Rập Saudi và nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới đang ngày càng khăng khít nhờ các thỏa thuận dầu mỏ. Bên cạnh đó, Riyadh và Bắc Kinh cũng đẩy mạnh hợp tác ở lĩnh vực an ninh và công nghệ nhạy cảm, bất chấp những lo ngại của Mỹ.
Khi được yêu cầu bình luận về những chỉ trích đối với mối quan hệ với Bắc Kinh tại Hội nghị Kinh doanh Ả Rập - Trung Quốc, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi - Hoàng tử Abdulaziz Salman khẳng định: “Chúng tôi thực sự không quan tâm đến điều đó, vì với tư cách là một doanh nhân, bạn sẽ phải tìm kiếm các cơ hội”.
“Nhu cầu dầu ở Trung Quốc vẫn đang tăng lên và tất nhiên chúng tôi phải nắm bắt. Thay vì cạnh tranh, hãy hợp tác với Trung Quốc,” Hoàng tử Abdulaziz phát biểu tại hội nghị. Bộ trưởng Abdulaziz khẳng định quan hệ hợp tác giữa Riyadh và Bắc Kinh đang trên đà phát triển mạnh mẽ và ngày càng nhiều thỏa thuận đầu tư giữa hai nước được ký kết.
Tại buổi khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Faisal bin Farhan, cũng đã nhấn mạnh tiềm năng tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập.
Nhiều doanh nhân và các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ xô đến Riyadh để tham dự hội nghị Kinh doanh Ả Rập - Trung Quốc, diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Trước đó, hồi tháng 3, "ông lớn" dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco đã công bố hai thỏa thuận lớn nhằm tăng khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào Trung Quốc, củng cố vị trí nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Bắc Kinh.
Đây là thỏa thuận lớn nhất được công bố kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ả Rập Saudi vào tháng 12/2022. Tại thời điểm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi giao dịch dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ, một bước đi nhằm làm suy yếu vai trò thống trị của USD.
Những hoạt động hợp tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia cũng tạo đà tăng triển vọng kết thúc thành công tiến trình đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) do Riyadh dẫn đầu. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận này đã diễn ra từ năm 2004.
Ả Rập Saudi là “cửa ngõ” để Trung Quốc tiến vào thế giới Ả Rập, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với khu vực này.
Theo Ngoại trưởng Faisal bin Farhan, Ả Rập Saudi chiếm 25% tổng giá trị thương mại 432 tỷ USD của Trung Quốc với các quốc gia Ả Rập trong năm 2022, đạt mức 106,1 tỷ USD.
Nhiều nước OPEC+ “bênh” Ả Rập Saudi giữa cuộc khẩu chiến với Mỹ
Kinhtedothi - Các quốc gia thành viên OPEC+ lên tiếng ủng hộ quyết định giảm mạnh sản lượng dầu mỏ trong bối cảnh Nhà Trắng cáo buộc Riyadh ép buộc một số nước ủng hộ bước đi này.
Vì sao Nga và Ả Rập Saudi “xích mích” trước cuộc họp quan trọng của OPEC+?
Kinhtedothi - Riyadh thể hiện sự thất vọng khi Nga không tuân thủ thỏa thuận giảm nguồn cung khiến nỗ lực nâng giá dầu khó khả thi.
Quyết định bất ngờ của Ả Rập Saudi để cứu giá dầu
Kinhtedothi - Ả Rập Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hôm 4/6 cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1 triệu thùng/ngày, nhằm thúc đẩy giá nhiên liệu toàn cầu.