Bổ sung nhiều chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/7/2025
Kinhtedothi – Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung các quyền lợi gồm chế độ ốm đau, thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội để gia tăng tính hấp dẫn của chính sách này.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua, quy định: đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được bổ sung chế độ ốm đau và chế độ thai sản.
Như vậy, từ ngày 1/7/2025 quy định, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng 4 chế độ là ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất.
Đồng thời, để gia tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, Luật Bảo hiểm xã hội mới bổ sung chế độ trợ cấp thai sản cho người lao động khi đủ điều kiện. Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường cho biết, chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tức là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn đóng mức tiền như hiện hành nhưng ngoài chế độ hưu trí và tử tuất thì được hưởng thêm chế độ trợ cấp thai sản.
Mức trợ cấp thai sản 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Chính phủ sẽ điều chỉnh mức trợ cấp thai sản tùy theo khả năng phát triển kinh tế xã hội và ngân sách của nhà nước phù hợp với từng thời kỳ.
Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con, ngoài việc được trợ cấp thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
Về việc hưởng trợ cấp thai sản, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?
Kinhtedothi – Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản.
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng lương hưu theo luật mới thế nào?
Kinhtedothi – Từ ngày 1/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
Thay đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội từ 1/7/2025
Kinhtedothi – Từ ngày 1/7/2025, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng. Luật BHXH năm 2024 quy định, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở, tương ứng với 2.340.000 đồng/tháng.