Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 8 điểm nổi bật của ngành Nội vụ trong năm 2024
Kinhtedothi-Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, vượt qua những khó khăn chung, năm 2024 đi qua với nhiều dấu ấn của đất nước, 15/15 chỉ tiêu KT-XH sẽ đạt và vượt kế hoạch; đóng góp vào thành tựu chung to lớn đó có sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Nội vụ.
Sáng nay, 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự, chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị có các Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và lãnh đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “tăng tốc” để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Vượt qua những khó khăn chung của bối cảnh quốc tế, những thách thức từ biến đổi khí hậu, hậu quả của cơn bão Yagi- cơn bão thế kỷ, năm 2024 đi qua với nhiều dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước, với 15/15 chỉ tiêu KT-XH sẽ đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc; chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 15 bậc; chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc...
“Đó là những dấu mốc rất đáng tự hào của đất nước ta, và đóng góp vào thành tựu chung to lớn đó của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Nội vụ”- bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.
Đánh giá 2024 thực sự là năm có những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành Nội vụ, Bộ trưởng khái quát 8 điểm nổi bật nhất.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt được những kết quả quan trọng. Toàn ngành Nội vụ đã tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.
“Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 23 Thông tư và văn bản hợp nhất”, Bộ trưởng thông tin.
Thứ hai, Bộ Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của T.Ư mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả.
Trong đó đã điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%- mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Thứ ba, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư - thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc T.Ư; nâng cấp 137 ĐVHC đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.
Thứ tư, tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của T.Ư.
Thứ năm, Bộ Nội vụ đã nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả. Trong đó, chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật CBCCVC; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền triệt để trong tuyển dụng, đổi mới nâng ngạch công chức, bỏ thi và thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảm gánh nặng, thủ tục, quy trình, được sự đồng tình, thống nhất cao của đội ngũ CBCCVC.
Thứ sáu, tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển KT-XH làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực.
Cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng của xây dựng thể chế, tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, không ngừng góp phần khơi nguồn cho phát triển.
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Trong đó, ngành tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành Nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ tám, theo Bộ trưởng Nội vụ, công tác đối ngoại công vụ với nhiều hoạt động hợp tác chiến lược đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Từ việc đánh giá những kết quả nổi bật trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời điểm chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thời điểm hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp.
Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành Nội vụ; vận hành bộ máy hành chính nhà nước sau sắp xếp bảo đảm tính liên tục, thống nhất và ổn định phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả… Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2025 là rất nặng nề.
“Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ, hơn lúc nào hết, ngành Nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn. Mỗi CBCCVC cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực dự báo, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin về tăng lương, sắp xếp đơn vị hành chính
Kinhtedothi - Ngày 26/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin về vấn đề tăng lương; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Chưa sáp nhập ngay các tỉnh, thành
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội là không đúng. Hiện chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, TP ngay.
Hà Nội: đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính ngành Nội vụ
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6159/QĐ-UBND (ngày 27/11/2024) thông qua phương án đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Nội vụ.