Các loại thuốc lá mới đều có nguy cơ là phương tiện sử dụng ma túy
Kinhtedothi - Các đại biểu Quốc hội cho rằng tất cả loại thuốc lá mới đều có nguy cơ là phương tiện sử dụng ma túy; cần bổ sung quy định phòng ngừa, giám sát đối tượng có nguy cơ cao sử dụng ma túy là thanh thiếu niên, học sinh.
Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên là nhóm có nguy cơ cao
Chiều 13/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030. Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết của Chương trình. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với người chưa sử dụng ma túy nhưng có nguy cơ cao về sử dụng ma túy vào chương trình.
Theo đó, đối tượng này là những thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động. Đây phần nhiều là những đối tượng còn trẻ, đang trong quá trình hình thành nhân cách, hay đua đòi, dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Do đó, muốn giảm tỷ lệ số người sử dụng ma túy thì Nhà nước, xã hội, nhà trường và gia đình cần có các biện pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng này.
Đại biểu nhấn mạnh vai trò gia đình trong việc giám sát, quản lý những đối tượng nguy cơ cao này vì trẻ đi đâu, làm gì, quan hệ với ai thì gia đình nắm rõ và biết đầu tiên, sau đó mới tới nhà trường, xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giám sát đối với các đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, hiện nay ma túy diễn biến phức tạp, khó hơn trước nhiều và cũng thách thức toàn xã hội. Cần tập trung nhiều hơn, sâu sắc hơn việc phòng so với chống.
"Trong phòng chống, phải truyền thông, giáo dục và chú ý truyền thông không chỉ ở trường học mà còn ở công đoàn, cơ quan, công ty, đặc biệt là hội phụ nữ các cấp, hội người cao tuổi" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Ngoài ra, đại biểu Đoàn Hà Nội cũng cho rằng, cần chú ý vấn đề ma túy khi sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và loại khác…). Tất cả loại thuốc lá mới đều có nguy cơ là phương tiện sử dụng ma túy.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng
Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 có mục tiêu nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy.
Đồng thời, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy...
Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người...
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 78,96%, còn lại là vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện Chương trình từ nămm 2025 đến hết năm 2030.
Thực hiện các mục tiêu với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”
Kinhtedothi - Sau 2 ngày làm việc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, chưa tăng lương khu vực công
Kinhtedothi - Sáng 13/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 với hàng loạt chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ chưa chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng...
Tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại
Kinhtedothi - Sáng 13/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.