Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cảm ơn Hà Nội

Kinhtedothi - Tôi vừa lỡ một chuyến bay đến Hà Nội. Rồi cố vùi nỗi tiếc của mình vào những công việc cuối năm, không hiểu từ đâu và vì sao mà quá đỗi bộn bề. Khi lắng nghe lòng mình nhiều hơn, Hà Nội hôm đó hình như với tôi đã rộng rênh từ một phía.

 Ảnh minh họa
Không phải là dành cả thanh xuân để nhớ về Hà Nội như cách mà người ta thường dùng, đến mức phổ biến, dù nghe đôi khi cũng dễ thương lắm, Hà Nội với tôi thoạt tiên là ký ức về một chuyến tàu điện đã xa vời. Hôm đó hình như có một cô bé với chiếc áo bông chần đã cũ lơ ngơ theo má ra Thủ đô tiễn chị gái vào đại học. Thế nên sau này, mỗi khi bắt gặp ở đâu đó những hình ảnh xưa cũ về Hà Nội, tôi lại nhớ một con phố với mình là không tên, những dáng người cắm cúi trên xe đạp và tuyến đường ray nho nhỏ giao nhau giữa một ngã tư, hay ngã năm nào đó. Hà Nội hôm đó không có một cây kem lạnh nào, dù đó là ước mong lắm của một cô bé lũn cũn, ngơ ngác và sợ sệt.

Sau này, khi đã là một người đàn bà, nhỏ bé, đủ tự tin nhưng cũng không ít phiêu lãng, Hà Nội với tôi là những chuyến trở lại. Bằng một cách nào đó, Hà Nội đôi khi làm chuyến bay trong một giờ đồng hồ trở nên khó thở. Tôi nhận ra mình đã bị ma mị bởi màu sương khe khẽ trên mặt hồ. Những hàng cây tự sự trên tuyến đường còn thưa vắng người đi. Ừ mà từ bao giờ nhỉ, tôi đã có thói quen ngắm nhìn Hà Nội trong những sớm mai. Hình như khi ta dõi mắt chứ không phải là tương tác hay va đập trong dòng chảy tương đối bất tận, Hà Nội là một vẻ đẹp mơ hồ, lãng đãng. Khi ấy, một Hà Nội đúng là run run heo may…

Có khi mệt nhoài trong lao động giữa những ngõ và ngách, hay những bậc cầu thang mòn vẹt và cũ kỹ, tôi lắng nghe âm thanh của phố ở câu chuyện bạn bè. Những giờ phút cũ, niềm vui nỗi buồn cũ được nhen lại ở một góc Hà Nội. Điều kỳ lạ là những mùa cũ chừng như đầm đậm trong không gian Hà Nội, và người ta đã cười ngay cả khi đó không phải là nỗi vui. Tôi đã nghĩ về tiếng cười như những thanh củi nhỏ, cháy đượm, không tàn đi.

Hà Nội trong tôi có thể là một tối thơ thẩn trên phố Nguyễn Trường Tộ, với mấy củ đậu mua từ người bán rong cho bữa tối định tự mình sống xanh một chút. Bù lại là hơn nửa chai vang đã vơi đi trong ngày hôm sau mà tôi không nỡ bỏ lại, vì thương. Là một tối mưa cồn cào bên ngoài cửa kính, trên một tầng nhà rất cao và cũng chỉ có thể trông thấy những tầng nhà rất cao khác. Có khi đó là một chiều nắng chầm chậm. Không có cả gió trên đỉnh lá và dòng xe chầm chậm trên một con đường nhỏ lắm, gần nhà thờ cửa Bắc. Những bước chân tần ngần ở phố Phan Đình Phùng, cũng chỉ vì cây ở đó xanh quá, và đôi khi mùa Thu còn lâu mới tới mà lá đã rụng vàng cả lối đi. Con phố mà tôi thường dừng lại, chỉ đi xiên một chút là có thể tạt vào một nhà hàng nho nhã. Hoặc xê dịch thêm một quãng là có thể ngồi lại với món vịt om sấu nơi mé đường gần một ngã tư. À mà món vịt om sấu, giờ có khi đã trở thành một lý do để “hẹn hò” của tôi mất rồi.

Hà Nội, với tôi có khi là một shipper mồ hôi nhễ nhại trong chiều muộn, nói em canh mãi mới được chuyến giao hàng này vì khách sạn chị ở nằm trên đường về chỗ trọ. Cả nỗi thất vọng của một lái xe taxi vì đã chịu cho khách lên vì một cuốc xe quá gần. Nó làm tôi bật cười vì biết mình đã không quá xa lạ nhưng vẫn lơ ngơ lắm với Hà Nội, trong Hà Nội. Như khi tôi nhìn mãi chàng nhân viên điện lực trẻ đu mình đánh vật và kiên nhẫn cắt từng sợi trong đám dây. Biết vậy, nên hiểu là nếu mình có chờ đợi, thì cũng có đáng gì với việc nuôi dưỡng một cuộc sống lầm lụi ngoài kia.

Hà Nội có khi là một hiện diện khác, hu-mua lắm khi đồng nghiệp trẻ bảo, mẹ con nó cứ đi đâu thì đi, cứ để em ở lại với tình yêu Hà Nội. Ly cà phê hôm đó ở phố nhà thờ, lần đầu tiên tôi nấp vào trong một chiều mưa, ở hàng hiên trên cao để ngồi nhìn người ta đến, check-in hay sống ảo một chút từ mấy phương trời. Chiếc bánh hôm đó quá ngọt, nhưng hồ như chẳng lấp được điều đang có ở đồng nghiệp trẻ. Tôi đã nhâm nhi mấy chút bánh, nhìn mưa yên lạnh như một cách đồng hành. Và một Hà Nội khác, dễ thương trong tiếng gõ cửa ban trưa một ngày hè rất nắng…

Không thể nào định hình, hay biết hết những chiều kích của Hà Nội, ngay cả khi đã xê dịch và chạm vào hoa khế, nghe hăng lên mùi cỏ ở nơi mà người ta muốn nó là đồi; hay một sớm tha thẩn ở Đường Lâm, nghe gió la đà trên bụi duối cổ; hay một ngày bám tàu du lịch tha thẩn ở sông Hồng để biết mình thương lắm sông Hương… tôi vẫn cảm ơn Hà Nội.

Vì những gì thương nhớ của tôi.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Nghệ nhân sơn mài Hà Nội chào Xuân với 45 bức tượng rắn độc đáo

Nghệ nhân sơn mài Hà Nội chào Xuân với 45 bức tượng rắn độc đáo

17/01/2025 | 21:55

Hơn 20 năm không ngừng sáng tạo và đổi mới, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thổi một làn gió mới vào nghệ thuật sơn mài truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề Thủ đô. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra 45 bức tượng rắn độc đáo với nhiều hình thái khác nhau.

Sôi động với trải nghiệm “Tết truyền thống” tại Hà Nội

Sôi động với trải nghiệm “Tết truyền thống” tại Hà Nội

16/01/2025 | 17:39

Kinhtedothi - Từ ngày 18/1, tại nhiều điểm di sản, giao lưu văn hóa như phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng cổ Đường Lâm diễn ra các chương trình trải nghiệm “Tết truyền thống” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.

Phát huy sức mạnh âm nhạc trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phát huy sức mạnh âm nhạc trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

29/12/2024 | 09:54

Kinhtedothi - Âm nhạc luôn gắn liền với đời sống và tâm hồn người dân Thủ đô, góp phần tạo nên văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Để xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cần bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống, đồng thời khuyến khích những sáng tạo mới.

Hơn 50.000 hộ dân quận Ba Đình được công nhận "Gia đình văn hóa"

Hơn 50.000 hộ dân quận Ba Đình được công nhận "Gia đình văn hóa"

27/12/2024 | 11:58

Kinhtedothi - Sáng 27/12, UBND quận Ba Đình tổ chức tổng kết thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2025.

Câu chuyện ý thức: Góc phố sạch

Câu chuyện ý thức: Góc phố sạch

23/12/2024 | 21:31

Kinhtedothi - Trong nhịp sống hối hả của thời đại, việc giữ gìn sự sạch sẽ và văn minh nơi công cộng không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là thước đo văn hóa của cả cộng đồng. Thế nhưng, xả rác bừa bãi tưởng chừng như nhỏ nhặt lại đang trở thành một vấn đề nhức nhối.

Tin tài trợ