Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Xung quanh vụ mẹ giết con rồi tự tử ở Chí Linh, Hải Dương:

Căn bệnh trầm cảm và những hệ lụy khôn lường

Kinhtedothi - Bệnh trầm cảm là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Người mắc chứng trầm cảm sẽ tự sản sinh ra những tư duy tiêu cực dẫn tới nhiều hành vi làm tổn thương cơ thể và gây nguy hiểm đến những người xung quanh.

Theo các chuyên gia, để tránh hậu quả khôn lường, những người có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm cần được gia đình quan tâm, theo dõi sát sao.

Đau lòng những vụ mẹ giết con

Liên quan đến vụ án mẹ giết con rồi tự tử xảy ra tối 30/3 gây chấn động ở TP  Chí Linh, Hải Dương, hiện tại, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, dư luận bàng hoàng trước cái chết đau lòng của bé trai 2 tuổi đang điều trị Covid-19 trong Trung tâm Y tế (TTYT) TP Chí Linh khi hung thủ lại chính là mẹ ruột của bé.

Giữa nghi vấn mẹ giết con rồi tự tử do bị trầm cảm, TTYT TP Chí Linh, Hải Dương vẫn đang là địa điểm được quan tâm nhất thời điểm hiện tại. Dù chưa biết rõ thực hư thế nào nhưng hình ảnh hiện trường của vụ án chấn động tại Hải Dương đã khiến ai nấy đều rùng mình, sợ hãi. Cộng đồng mạng xót xa, đồng cảm cho tình cảnh của hai mẹ con ở Hải Dương và phần nào thấu hiểu được sự đáng sợ của căn bệnh trầm cảm.

Trước đó, ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, chỉ một ngày xảy ra hai vụ việc đau lòng mẹ giết con ở TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh, trong đó một người mẹ bị trầm cảm sau sinh. Tại TP Hồ Chí Minh, tối 5/2, người nhà phát hiện chị C. (34 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) và con gái khoảng 7 tháng tuổi tử vong trong nhà trọ ở quận Bình Tân, trong đó chị C. chết trong tư thế treo cổ, còn con gái trong máy giặt. Được biết, chị C. là công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân, còn chồng chị chạy xe ba gác. Theo thông tin ban đầu, trước khi xảy ra vụ việc, chị C. có dấu hiệu bị trầm cảm.

Cùng ngày, tại Hà Tĩnh, chị L.T.H. (39 tuổi) nghi chém chết con trai 2 tháng tuổi và toan tự tử nhưng không thành. Theo kết quả điều tra ban đầu, chị H. bị trầm cảm sau sinh.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có tới 47 người tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử). Điều tra nguyên nhân cho thấy nhiều người tự tử từng bị trầm cảm trước đó. Theo chuyên gia, đại dịch Covid-19 cùng với thời gian giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến nhiều gia đình, không chỉ gây khó khăn về kinh tế, sức khỏe mà còn tác động đến tâm lý, tinh thần, làm gia tăng nguy cơ trầm cảm, trong đó có phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.

Để tránh hậu quả khôn lường, những người có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm cần được gia đình quan tâm, theo dõi sát sao. Ảnh minh họa.

Bệnh trầm cảm là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi nó chi phối cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ, thậm chí là cách hành xử của con người. Người mắc chứng trầm cảm sẽ tự sản sinh ra tư duy tiêu cực dẫn tới nhiều hành vi làm tổn thương cơ thể và gây nguy hiểm đến những người xung quanh. Chính vì thế, căn bệnh này sẽ khiến cho cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, bế tắc dẫn đến nhiều kết cục bi thảm như: mẹ giết con, vợ giết chồng, tự tử khi tuổi vẫn còn trẻ,... Bệnh trầm cảm không trừ một ai và thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh. Vì vậy, việc cảnh giác với chứng trầm cảm là điều nên làm của tất cả mọi người. Để tránh hậu quả khôn lường, những người có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm cần được gia đình quan tâm, theo dõi sát sao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành.  Trong đó, trầm cảm sau sinh ngày càng được ghi nhận ở nhiều phụ nữ và là "quả bom" khó nhận biết. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần. Đây là nhận định mới được WHO đưa ra ngày 2/3, chỉ ra rằng số trường hợp mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu. Trong báo cáo khoa học mới, WHO cũng chỉ ra cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã cản trở đáng kể các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử. Báo cáo được thực hiện dựa trên tổng hợp nhiều nghiên cứu, xác định rằng chỉ riêng trong năm 2020, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm trên thế giới tăng 27,6%. Trong năm đầu tiên đại dịch xảy ra, số ca mắc chứng rối loạn lo âu trên toàn cầu tăng 25,6%. Thanh niên và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nhất.

Làm gì khi bị trầm cảm?

Theo PGS.TS Trần Văn Cường - Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, trầm cảm sau sinh nói riêng và trầm cảm nói chung đã ghi nhận từ lâu và thời gian gần đây có xu hướng tăng. Riêng với phụ nữ trầm cảm sau sinh, thường họ phải chịu đựng một mình nhưng không biết mình đang bị trầm cảm, hoặc biết nhưng chỉ nghĩ ở mức độ nhẹ. Khi họ muốn đi khám cũng không biết khám ở đâu, đi bệnh viện tâm thần thì sợ bị kỳ thị...

“Mọi loại bệnh đều có liên quan đến tâm lý nhưng đến nay tâm lý, tâm thần vẫn chưa được người dân chú ý hay chưa có quan niệm đầy đủ, hiểu sai lệch, mặc cảm về sức khỏe tâm thần. Do đó, người bệnh không dám đến các cơ sở y tế về tâm thần thăm khám, rồi kéo dài thời gian, khiến bệnh càng trầm trọng hơn" - PGS.TS Trần Văn Cường cảnh báo.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Bùi Phương Thảo - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho hay, dịch Covid-19 suốt 2 năm qua khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần. Bản thân bác sĩ đã từng tư vấn một bệnh nhân nữ 50 tuổi, bà phải điều trị Covid-19 tại bệnh viện, sau đó rơi vào ám ảnh sợ không gian hẹp, không dám ở trong phòng nhỏ, không dám ở một mình. Đây là tình trạng tâm lý khá nặng, phải điều trị trong suốt 1 tháng, tình trạng bệnh nhân mới tiến triển tốt hơn. Theo bác sĩ, Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tâm thần khiến các ca bệnh trầm cảm tăng lên. Đặc biệt, các nhóm bệnh lo âu, trầm cảm, nghiện game Internet ở trẻ em, rối loạn ám ảnh sợ…

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Bá Đạt - Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Nguyên nhân nội sinh (trầm cảm chưa rõ nguyên nhân), có nhiều giả thuyết cho rằng do di truyền, yếu tố tự miễn, môi trường sống, thay đổi hormone. Trầm cảm do căng thẳng, do áp lực từ nhiều phía như công việc, gia đình, con cái, phá sản hay do những điều đột ngột xảy đến như mất đi người thân, mất tiền của... Trầm cảm có thể xuất hiện các bệnh lý hay chấn thương tác động trực tiếp đến não bộ, do mắc các bệnh thực thể như ung thư, ảnh hưởng hậu Covid-19… Người hút thuốc lá, rượu bia, sử dụng chất kích thích tổn hại thần kinh như ma túy, ma túy đá dễ bị trầm cảm. Ở giai đoạn đầu, trầm cảm thường rất khó phát hiện. Bệnh nhân thường chỉ xuất hiện các biểu hiện toàn thân như: chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ… Những bệnh nhân này thường sẽ tìm đến các chuyên khoa khác nhau mà không tìm được nguyên nhân cụ thể.

“Đối với những bệnh nhân hậu Covid-19, khi rơi vào tình trạng tâm lý bị ảnh hưởng, gia đình cần bên cạnh động viên, tạo không gian cho người bệnh hòa nhập với cộng đồng. Nếu người bệnh có những biểu hiện chán nản, mệt mỏi, không làm chủ được hành vi, cảm xúc, thậm chí làm hại đến bản thân thì cần liên hệ với bác sĩ tâm lý để được trị liệu tâm lý. Những bệnh nhân mới bắt đầu trầm cảm nhẹ có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển trầm cảm vừa và nặng thì rất khó điều trị. Người bệnh phải có nghị lực chiến thắng bệnh, cùng với sự đồng hành của gia đình, y bác sĩ để vượt qua tự ti của bản thân" - TS Nguyễn Bá Đạt lưu ý.

Thường xuyên tư vấn điều trị cho bệnh nhân mắc trầm cảm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý DR.PSY cho rằng, trong chẩn đoán đánh giá rối loạn trầm cảm rất dễ bị hiểu lầm thành các rối loạn khác như: rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực. Nếu chỉ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán tại thời điểm thăm khám cho bệnh nhân là chưa đủ. Thông thường, bác sĩ phải có ít nhất 2-3 buổi thăm khám thì mới đánh giá được đúng tình trạng của bệnh nhân.

Hiện nay, nhiều người cho rằng mình bị trầm cảm và nghĩ rối loạn trầm cảm là chuyện bình thường như cảm xúc vui buồn hằng ngày. Tuy nhiên theo chuyên gia, việc rơi vào trầm cảm nếu để kéo dài, nặng nề sẽ gây ra nhiều hệ lụy. "Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi thực hiện chiến dịch tư vấn tâm lý online miễn phí. Để điều trị trầm cảm, điều quan trọng nhất chính là từ phía người bệnh, chỉ cần người bệnh tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý đã là 50% chiến thắng. Tuy nhiên, chính căn bệnh nội sinh đã khiến bệnh nhân không muốn tiếp xúc, chia sẻ với ai, thu mình lại, vì vậy để họ tìm đến chuyên gia, người thân hay bạn bè là rất khó. Chỉ cần bệnh nhân tìm đến điều trị, lúc đó chuyên gia sẽ dùng các phương pháp điều trị để đồng hành cùng bệnh nhân, từ từ giúp họ vượt qua được trầm cảm" - chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng chia sẻ.

Lưu ý chăm sóc sức khỏe tiền tâm thần, GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa du lịch cho rằng, cần trang bị kỹ kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền tâm thần để bệnh nhân đi khám kịp thời. Trầm cảm có một đặc điểm là người bệnh thường cảm thấy bị cô đơn, họ co mình lại, chui vào vỏ ốc của họ, không muốn tiếp xúc với ai. Bởi vậy, họ thường sẽ không tự tìm đến bác sĩ hay chuyên gia tư vấn tâm lý để tháo gỡ. Chính những người thân bên cạnh phải là người khiến họ gỡ được những nút thắt từ khi bắt đầu có triệu chứng của trầm cảm. Không nên để tình trạng cảm xúc bất thường kéo dài dẫn đến hệ lụy.

Theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị trầm cảm như: sử dụng thuốc, điều trị tâm lý, sốc điện (ECT)... Ngoài ra, bác sĩ, chuyên gia tâm lý có thể sử dụng các liệu pháp như: phân tâm, gia đình, nhận thức hành vi… để giúp hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, giúp người bệnh phục hồi và thoát khỏi trầm cảm.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Trong đó, ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc bệnh trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện... Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là củng cố mạng lưới các bệnh viện, viện và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Đồng thời, thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu và tập huấn cho các bác sĩ đa khoa tuyến huyện, cán bộ y tế xã, người làm công tác hỗ trợ xã hội… nhằm đẩy mạnh biện pháp phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế gia tăng tỉ lệ bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Thoát bệnh nhờ giảm cân an toàn, chuẩn y khoa

Thoát bệnh nhờ giảm cân an toàn, chuẩn y khoa

12/01/2025 | 22:09

Kinhtedothi - Sau 3 tháng ra mắt, Trung tâm Giảm cân BVĐK Tâm Anh đã đón tiếp hơn 1.000 khách hàng. Nhiều người đã bày tỏ niềm hạnh phúc khi giảm cân thành công, cải thiện sức khỏe, không còn phải uống thuốc huyết áp, giảm mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tránh nguy cơ phải thay khớp và đột quỵ.

Đỗ trọng bổ thận, cường gân cốt

Đỗ trọng bổ thận, cường gân cốt

10/01/2025 | 13:22

Kinhtedothi - Đỗ trọng (Eucomia ulmoides Oliv. thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae) vị thuốc này được ghi đầu tiên ở sách Bản kinh. Còn có tên là Mộc miên vì trong vỏ có chất sợi tơ bạc.

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đi bộ quá nhiều?

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đi bộ quá nhiều?

10/01/2025 | 09:06

Kinhtedothi - Đi bộ không chỉ là cách đơn giản và hiệu quả để duy trì thể lực mà còn là cách để kéo dài tuổi thọ và giảm cân nhanh. Tuy nhiên, nếu đi bộ quá nhiều sẽ gây ra những tổn thương nguy hiểm.

Nút mạch tuyến tiền liệt cho bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu

Nút mạch tuyến tiền liệt cho bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu

08/01/2025 | 14:34

Kinhtedothi - Bệnh nhân 72 tuổi có khối lượng tuyến tiền liệt “siêu lớn” 82g (gấp khoảng 4 lần bình thường) đang sử dụng thuốc chống đông máu, phải sống chung với rối loạn tiểu tiện nhiều năm. Nhờ giải pháp nút mạch tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Hồng Ngọc bệnh nhân đã được điều trị dứt điểm.

Tin tài trợ