“Đại dương đen” - Ta biết gì về thế giới của những người trầm cảm?
Kinhtedothi - “Đại dương đen” là tiếng nói chia sẻ hiếm hoi với thế giới của người trầm cảm, là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, đồng thời là công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức căn bản về trầm cảm…
Cuốn sách “Đại dương đen” của tác giả - TS Đặng Hoàng Giang đã được Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho ra mắt bạn đọc từ cuối năm 2021. Tuy nhiên đến những ngày cuối tháng 3/2022, lần đầu tiên một buổi giao lưu chính thức mới có thể được tổ chức, để tác giả cùng bạn đọc chia sẻ nhiều hơn về những câu chuyện trong sách.
Kéo dài trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ, buổi giao lưu có sự tham gia của chính tác giả - TS Đặng Hoàng Giang, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, cùng 2 nhân vật trong cuốn sách (chị Liên, anh Dũng) và vô vàn độc giả yêu thích cuốn sách.
Tiếp tục với thể loại phi hư cấu và không ngừng kiếm tìm, kể về những cuộc đời nhỏ bé, vô danh, “Đại dương đen” đã bắc một cây cầu đưa người đọc bước vào thế giới của người trầm cảm. Khi đối thoại với độc giả và đi sâu vào phân tích một số trích đoạn, tác giả Đặng Hoàng Giang đánh giá mức độ nhận thức của cộng đồng về trầm cảm: “Cứ 5 đến 6 người thì có 1 người từng bị trầm cảm, một tỷ lệ cao hơn bệnh ung thư hay huyết áp cao rất nhiều. Xã hội vô cùng để ý đến ung thư, nó được nhắc tới như một vấn nạn của xã hội. Với trầm cảm thì ngược lại, người ta không biết mình có nó, và nếu có biết, và bệnh đã rất nặng rồi”.
“Đại dương đen” là tiếng nói chia sẻ hiếm hoi với thế giới của người trầm cảm, là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, đồng thời là công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức căn bản về trầm cảm: Hình hài nó thế nào, nó từ đâu tới, nó có thể phá hủy ra sao, có những phương thức trị liệu nào và mỗi chúng ta có thể làm gì để những người không may mắn được sống an hòa với nhân phẩm của mình.
Với tư cách là chuyên gia tâm lý chia sẻ góc nhìn của mình về căn bệnh trầm cảm tại những quốc gia phát triển như Pháp và châu Âu, bà Hélène Vergon nhắn: “Hãy tự cho phép mình bày tỏ khó khăn với người xung quanh, tìm những người có thể chia sẻ cảm xúc, khó khăn của bản thân. Còn đối với những người khác, hãy cùng nhau tìm hiểu thêm thông tin về bệnh trầm cảm. Hãy biết rằng luôn luôn có những người xung quanh sẵn sàng giúp đỡ ta, rằng ta không đơn độc ở trong thế giới này, ta không phải xấu hổ nếu gặp phải vấn đề trầm cảm bởi đó là một căn bệnh có thể xảy đến với bất kỳ ai”.
Là một độc giả của “Đại dương đen”, bạn Bạch Diệp (học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên) bày tỏ: “Em có một người bạn gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần như vậy, nhờ buổi hôm nay mà em hiểu thêm về thế giới của bạn, và mong rằng em có thể giúp đỡ cho mình và chính bạn sau này”.
TS Đặng Hoàng Giang cho biết thêm, ông sẽ tiếp tục quan tâm đến thế giới của người trầm cảm, tiếp tục thực hiện các hoạt động để hỗ trợ họ, bằng cách này hay cách khác. Dự án “Đường dây nóng ngày mai” - một dịch vụ miễn phí, cung cấp thông tin về sức khỏe tinh thần và tham vấn tâm lý qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm, là một hoạt động trực tiếp liên quan đến đối tượng được nói đến trong “Đại dương đen”. Dự án sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trong thời gian tới.
Học sinh không đến trường, dễ bị sang chấn tâm lý
Học sinh không đến trường một thời gian, nếu chúng ta không có biện pháp kết hợp thật tốt với gia đình, nhà trường và xã hội có nhiều hoạt động thì bị ảnh hưởng kết quả học tập trực tiếp và dễ dẫn đến bị sang chấn tâm lý.
Video trên mạng xã hội lên ngôi
Kinhtedothi - Chuyên gia Kristren McCormick vừa công bố trên https://www.wordstream.com những thống kê đáng quan tâm năm 2021. Theo đó, khi kỹ thuật số phát triển, thúc đẩy xu hướng ưa thích video.
Hệ lụy khôn lường từ hội nhóm “những người muốn tự tử”trên mạng xã hội
Kinhtedothi - Gần đây, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hội nhóm tiêu cực liên quan đến những người muốn tự tử như: "Hội những người muốn tự tử", "Những người muốn chết”, “Hội những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu”,... thu hút hàng trăm, hàng nghìn đến cả chục nghìn thành viên tham gia.