Monday, 14:40 19/09/2016
Cần có lộ trình khoa học phát triển xe buýt Hà Nội
Sau giai đoạn 15 năm chuyển mình mạnh mẽ, trở thành phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chính yếu của Thủ đô, xe buýt Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi phải có những bước đi chắc chắn, khoa học để giữ được thị phần và phát triển ổn định, bền vững.
Thị phần sụt giảm
Xe buýt đã hiện diện tại Hà Nội từ nhiều thập kỷ trước, nhưng phải đến năm 2001, khi Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đưa vào vận hành loạt xe buýt mới trên một số tuyến: 01, 02, 22…, mới thực sự thu hút được hành khách. Từ thời điểm đó đến nay, sau 15 năm không ngừng đầu tư, mở rộng, xe buýt Hà Nội đã trở thành phương tiện VTHKCC chính của TP với 91 tuyến, 1.482 phương tiện, lượng hành khách sử dụng đạt hơn 430 triệu lượt/năm. So với năm 2001, số tuyến xe buýt đã tăng 2,7 lần, lượng phương tiện tăng 4,2 lần, sản lượng vận chuyển tăng 29 lần, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô. Cho tới năm 2014, sản lượng vận chuyển vẫn ổn định và gia tăng đều đặn, tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, thị phần của xe buýt bắt đầu sụt giảm. Nửa đầu 2015 giảm 5,68%, nửa cuối 2015 giảm 7,38% và 6 tháng đầu năm 2016 giảm tới 9,53%.
Loạt xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 3, có wifi miễn phí vừa được Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đưa vào vận hành ngày 1/9. Ảnh: Ngọc Hải |
Lý giải nguyên nhân mất dần thị phần của xe buýt, TS Nguyễn Thanh Chương - Đại học GTVT cho rằng, hiện, độ che phủ của mạng lưới tuyến buýt mới chỉ đạt khoảng 71,7%, lại đang rất mất cân đối. Lượng tuyến chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm, bên trong Vành đai 3, độ trùng lặp tuyến trên các trục chính hướng tâm, xuyên tâm còn khá cao. Ngay tại những khu vực đã có xe buýt, người dân cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận do thiếu hoặc cự ly đến các điểm dừng chờ quá dài.
TS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, ngay trong nội đô, khu vực phố cổ đường rất chật hẹp, xe buýt không thể đi qua. Còn ngoại thành thì thiếu trầm trọng các điểm trung chuyển, nhà chờ; điểm đón thường nằm ở ven đường trống trải, không có chỗ trú mưa nắng. Những bất lợi đó khiến người dân thêm ngần ngại khi lựa chọn xe buýt.
Mặt khác, hiện nhiều tuyến buýt tại Hà Nội có cự ly quá dài, lại phải hoạt động trên nền tảng hạ tầng đường sá còn nhiều hạn chế, tốc độ lưu thông không cao, không đảm bảo được thời gian đi lại như mong muốn của hành khách. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của xe buýt chưa thực sự khiến người dân hài lòng. Tình trạng chen chúc trên các chuyến xe, đặc biệt vào giờ cao điểm khiến hành khách dần mất đi thiện cảm với xe buýt. Trong khi đó các loại hình VTHKCC khác như Uber taxi, Grab taxi, Grab bike… lại đang phát triển rầm rộ, giá thành đoạn tuyến ngắn rẻ hơn, chất lượng dịch vụ ưu việt hơn hẳn xe buýt.
Quy hoạch, sắp xếp lại tổng thể
TS Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc quan trọng nhất là phải mở rộng được mạng lưới, gia tăng, đồng thời cân đối lại độ che phủ của xe buýt. Cụ thể, phải sắp xếp lại lộ trình, hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp tuyến, hướng tới mở rộng mạng lưới ra các vùng ngoại thành. “Điểm mấu chốt để mở rộng ra ngoại vi đô thị trung tâm là phải xây dựng được hệ thống điểm đầu cuối, trung chuyển, nhà chờ để tạo điều kiện cho hành khách tiếp cận xe buýt” - ông Hải nói.
TS Trần Hữu Minh - Ủy ban ATGT Quốc gia đóng góp thêm: “Muốn người dân sử dụng xe buýt phải tạo điều kiện để họ tiếp cận xe buýt dễ dàng nhất, thuận tiện nhất. Cần thu hẹp khoảng cách đi bộ từ vị trí của hành khách đến các điểm dừng chờ bằng cách gia tăng mật độ điểm và tối ưu hóa không gian đi bộ”.
PGS. TS Từ Sỹ Sùa - Đại học GTVT nhận định, việc xây dựng hạ tầng giao thông cho mỗi địa phương, ngay từ đầu phải hướng đến đối tượng lưu thông chủ yếu. Nếu Hà Nội coi xe buýt và các phương tiện VTHKCC là đối tượng chính thì phải có quy hoạch, xây dựng đồng bộ mạng lưới đường sá phù hợp. Cùng với hạ tầng, không gian tối ưu cho phát triển mạng lưới, ngay trong nội tại, lực lượng xe buýt cũng phải tự vận động nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng hình ảnh thân thiện, văn minh trong mắt người dân. TS Lê Thu Huyền - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT lại cho rằng: “Xe buýt Hà Nội cần có và thực hiện tốt các cam kết chất lượng dịch vụ với hành khách”. Chất lượng dịch vụ phải được xây dựng trên nhóm tiêu chí chính gồm: Độ tin cậy, độ an toàn, độ chính xác của thông tin và mức độ làm hài lòng hành khách khi sử dụng xe buýt. Cụ thể, các tuyến buýt phải đảm bảo thời gian, tần suất chạy xe, giữ tỷ lệ gặp sự cố dưới 1,5% tổng số chuyến/tháng; hệ số tai nạn thấp hơn 0,75/100.000 lượt xe/tháng. Cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên trên mọi phương tiện, đặc biệt là internet và điện thoại trực tuyến. Nhân viên phục vụ trên xe phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên được bồi dưỡng, kiểm tra, kiểm soát, nhằm duy trì và ngày càng nâng cao mức độ thân thiện với hành khách. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang nhấn mạnh: “Đứng trước những khó khăn, thách thức hiện tại, xe buýt Hà Nội cần phải một lần nữa chuyển mình, lột xác để giữ vững vị trí là lực lượng chủ đạo trong VTHKCC Thủ đô”.