Cảnh báo lừa đảo bán khẩu trang y tế qua mạng
Kinhtedothi - Lo ngại dịch bệnh Covid-19, nhiều người tìm mua khẩu trang y tế dự phòng. Lợi dụng tình hình khan hiếm khẩu trang y tế, các trang bán hàng khẩu trang online “nở rộ”, nhiều trường hợp tiền mất mà không nhận được khẩu trang hoặc chỉ nhận được hàng kém chất lượng.
Trang fanpage bị phản ánh lừa đảo, đánh tráo hàng hóa khi bán khẩu trang online. |
Vừa qua, hàng loạt người dùng facebook đã lên tiếng tố cáo fanpage "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam". Theo chia sẻ của facebook Thái Kim Thanh, fanpage này đang lừa đảo rất nhiều người trên mạng bằng cách rao bán khẩu trang 3M giá rẻ. Với hình thức đặt cọc tiền hàng, khi nhận về mở ra chỉ là mấy khẩu trang vải cũ kỹ, cáu bẩn. Trong khi đó, số lượng người đặt hàng rất đông…
Nhiều người dùng facebook cũng chia sẻ mất tiền oan khi mua khẩu trang tại trang fanpage này. Mỗi hộp khẩu trang 3M được rao bán với giá 360.000 đồng. Khi đặt mua khẩu trang, người mua được yêu cầu chuyển khoản đặt cọc trước tới tài khoản của một người có tên Đinh Văn Đức. Có người nhận được hàng, có người không. Những hộp khẩu trang được hứa hẹn đưa tới khách hàng thông qua con đường chuyển phát nhanh. Trong trường hợp người mua không đồng ý chuyển khoản, bên bán cho phép nhận hàng có shipper thu tiền hộ. Tuy nhiên, bên bán yêu cầu người mua phải trả tiền trước khi nhận hàng và không cho phép mở hàng kiểm tra khi nhận. Nhiều người cho biết, khi nhận hàng mở ra chỉ là mấy khẩu trang vải cũ kỹ.
Được biết, fanpage "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam" được lập từ ngày 1/2, thời điểm nhiều người tìm mua khẩu trang y tế dự phòng khi dịch Covid-19 bùng phát. Những quảng cáo bán hàng của trang nhận được hàng nghìn lượt bình luận đặt hàng từ người dùng facebook. Bức xúc vì bị lừa, nhiều người cho biết đã liên hệ với fanpage này đòi được hoàn trả đơn hàng. Tuy nhiên, các phản ánh và kiến nghị của khách hàng không được phía bán hàng hồi đáp. Sau khi bị tố cáo trên các diễn đàn, cộng đồng facebook, thì fanpage "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam" đã kịp đổi sang tên khác.
Thu thập chứng cứ chứng minh bị lừa đảo
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết, vừa qua, đã có một số người nhờ luật sư tư vấn về việc bị lừa khi đặt mua khẩu trang y tế qua tài khoản facebook. Sau khi người mua chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho đối tượng thì không được giao hàng và đối tượng tắt máy, xóa hoặc chặn tài khoản facebook. Theo quy định của pháp luật, hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự. Để có căn cứ xử lý, người dùng facebook cần thu thập các chứng cứ chứng minh bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền như chụp lại facebook, các tin nhắn giao dịch, thỏa thuận mua bán, sao kê tài khoản ngân hàng đã chuyển tiền cho tài khoản đối tượng.
Sau đó, người dùng facebook làm đơn tố cáo đối tượng (facebook) sử dụng mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật Hình sự. Đơn tố cáo được gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện (giá trị chiếm đoạt dưới 500 triệu đồng) nơi thực hiện việc giao dịch chuyển tiền cho đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. “Người dân phải cẩn trọng khi mua bán hàng hóa qua mạng xã hội, phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khẩu trang y tế đang là mặt hàng khan hiếm nên việc mua bán khẩu trang rất khó khăn, tránh việc bị các đối tượng quảng cáo bán hàng giá rẻ để đánh vào tâm lý người mua hàng” - luật sư Nguyễn Anh Thơm khuyến cáo.
Trước tình hình nguồn cung khẩu trang khan hiếm, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm chấn chỉnh tình trạng lừa đảo khi bán hàng online trên mạng, đặc biệt là khi những kẻ lừa đảo thực hiện hành vi của mình dựa trên sự hoang mang từ cộng đồng.