Cảnh giác chiêu trò lừa đảo núp bóng “đầu tư tài chính”
Kinhtedothi - Qua những lời quảng cáo, tư vấn của các chuyên gia tài chính tự xưng trên mạng, việc đầu tư vào các quỹ đầu tư tài chính trên mạng sẽ mang lại lợi nhuận cao, đảm bảo an toàn.
Thế nhưng, người tham gia càng đầu tư nhiều lại càng mất nhiều và các nạn nhân đã không thể liên lạc được với các đối tượng.
Lừa đảo đầu tư tài chính nhận lãi khủng
Công an TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đang tạm giữ 2 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi vốn đầu tư tài chính: Ninh Văn Cường (sinh năm 1998) - Giám đốc Công ty CP Thống Nhất Group và Lâm Văn Thọ (sinh năm 1998) - Phó Giám đốc Công ty; địa chỉ tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, đầu tháng 2/2022, Công an TP Bắc Giang tiếp nhận đơn trình báo của nạn nhân với nội dung tố cáo Cường, Thọ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 315 triệu đồng. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an TP Bắc Giang đã nhanh chóng điều tra, xác minh, các đối tượng đã bước đầu thừa nhận hành vi lừa đảo. Do cần tiền đầu tư tiền ảo, nên Cường và Thọ đã đứng ra thành lập Công ty CP Thống Nhất Group, vốn điều lệ trên giấy 83 tỷ đồng (thực chất không có số tiền trên).
Mục đích của hai đối tượng là dùng công ty để huy động tài chính, đánh vào lòng tham của người muốn đầu tư. Nhiều người đã bị lừa khi đầu tư vào công ty, không được hưởng lãi suất cao như quảng cáo, thậm chí còn không đòi lại được tiền.
Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đánh sập 45 website lừa đảo đầu tư tài chính nhận lãi khủng trên không gian mạng, ban đầu xác định số bị hại lên đến hàng nghìn người. Cái gọi là sàn đầu tư tài chính "vuonlanrongnghe.net", tự quảng cáo là cho lợi nhuận lên đến hàng trăm phần trăm, người chơi chỉ cần tham gia là có thể thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Người không chơi, chỉ cần vào online điểm danh cũng được hưởng lợi nhuận.
"Chúng tôi vào điểm danh thấy rất cuốn hút, nhưng khi tham gia nhiều tiền thì không rút được tiền như đã cam kết" - người tham gia mô hình cho hay.
Lần theo những chứng cứ, cơ quan công an đã bắt giữ 4 đối tượng cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An do đối tượng Mạc Văn Lai cầm đầu. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã lập lên các website nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu điều tra, khoảng 2 năm nay, nhóm đối tượng đã thành lập 45 website với nội dung đầu tư tài chính, lừa đảo hơn 1.600 người dân trên khắp cả nước, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng.
Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
Theo cơ quan công an, khi tham gia đầu tư mở tài khoản đăng ký trong trang web, người đầu tư sẽ nhìn thấy lợi nhuận của mình gia tăng. Tuy nhiên, sau đó người đầu tư sẽ không thể rút được tiền vốn và lãi về. Nhóm đối tượng duy trì hoạt động mỗi trang trong một thời gian, sau đó xóa trang chặn liên lạc của người đầu tư để chiếm đoạt tài sản, rồi lại lập trang web mới để tiếp tục hoạt động lừa đảo.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, các chiêu trò lừa đảo dưới mác đầu tư tài chính là vấn đề không mới. Trước đây, các đối tượng lừa đảo bằng cách kêu gọi mọi người gửi tiền cho mình kèm theo cam kết trả lãi cao. Người nào tham gia đầu tư thì được đề nghị giới thiệu cho những người khác, càng nhiều người tham gia thì người giới thiệu lại càng được trả nhiều tiền.
Các kênh đầu tư này được tổ chức theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của người vào sau trả lãi cho người trước, đến một thời điểm nào đó khi số tiền huy động đã đủ lớn thì những người đứng đầu đường dây sẽ bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời gọi đầu tư tài chính xuất hiện nhiều trở lại nhưng dưới hình thức khác và tận dụng lợi thế của internet và mạng xã hội. Các phương thức lừa đảo thông qua “đầu tư tài chính” đa số dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng bị biến tướng. Các đối tượng đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người với cam kết về lãi suất cao. Các đối tượng thường thực hiện hành vi theo hội nhóm, thậm chí có tổ chức.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng lại càng tiếp cận được với nhiều “con mồi” hơn. Hàng loạt các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội về đầu tư tài chính vẫn hằng ngày hoạt động nhưng rất nhiều trong số đó là dụ dỗ người nhẹ dạ cả tin bỏ tiền đầu tư để rồi bị các đối tượng chiếm đoạt.
“Về quy định pháp luật, các đối tượng lừa đảo thông qua kêu gọi “đầu tư tài chính” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tù chung thân” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.
Tấn công lừa đảo vào tài chính, ngân hàng gia tăng
Kinhtedothi - Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) nhận định tấn công có chủ đích bằng mã độc tống tiền (ransomware) vào các ngành tài chính, ngân hàng sẽ gia tăng.
Trái phiếu lãi suất cao, vượt năng lực tài chính doanh nghiệp là rất rủi ro
Kinhtedothi - Trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN có dấu hiệu phát triển nóng và phát sinh nhiều vi phạm pháp luật, mới đây, Bộ Tài chính đã có thông cáo về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý, giám sát để phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.