“Bà hỏa” rình rậpTrên địa bàn Hà Nội, theo thống kê hiện có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng, phần lớn trong số đó đã đưa vào sử dụng. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, PCCC tại các chung cư cao tầng đang là thách thức lớn. Các tòa nhà cao từ 20 - 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp ở các quận nội thành như: Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Tuy nhiên, thực tế khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14, 15 của tòa nhà. Hệ thống PCCC tại chỗ như: Cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… lại ở tình trạng nơi có, nơi không.
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cư dân chung cư ở Hà Nội luôn trong tình trạng nơm nớp lo hỏa hoạn. Thực tế, vụ cháy đã xảy ra ngày 25/3 tại tầng 21 chung cư CT5AB Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông. Thế nhưng, khi xảy ra cháy, người dân cũng không hề nghe thấy tín hiệu báo cháy. Tiếp đó, vào tối 27/3, lại xảy ra cháy tại chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm khiến cư dân hoảng loạn...
Qua khảo sát của phóng viên, tại khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông), mặc dù mới xảy ra cháy, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động cùng với nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về công tác PCCC, tuy nhiên, trên thực tế, phía chủ đầu tư (CĐT) cùng với người dân sinh sống tại một số tòa nhà nơi đây vẫn bất chấp quy định. Xung quanh tòa nhà CT2, CT4, CT6, hầu hết đã được tận dụng làm các ki ốt kinh doanh mỹ phẩm, cắt tóc gội đầu, cửa hàng tạp hóa, quán phở… Từ đó dẫn đến thực trạng, ngoài cửa chính lên tòa nhà thì người dân không biết lối thoát hiểm ở đâu. Nhiều người phát hoảng trước tình trạng quán phở, quán bia hơi đun nấu ngay dưới tòa nhà, bếp gas công nghiệp đặt ngay lối ra vào, lửa bốc đỏ rực. Cạnh quán cơm rang, phở xào là cửa thoát hiểm nhưng đã bị khóa im ỉm, phía trong biến thành “kho” chứa đồ của một số cư dân.
Chia sẻ về nỗi lo cháy, nổ, ông Nguyễn Bình (tầng 12, chung cư CT6 Văn Khê) bày tỏ bức xúc: Vào thời điểm bàn giao nhà, cư dân phát hiện hệ thống PCCC chưa được CĐT hoàn thiện, chưa được nghiệm thu. Cư dân đã gửi đơn đến rất nhiều nơi, đề nghị CĐT là Công ty CP Hà Châu OSC hoàn thiện hệ thống PCCC, CĐT hứa nhiều lần rồi… để đấy.
Tại tòa nhà CT5AB, cư dân bày tỏ bức xúc vì từ trước đến nay hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động, dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng CĐT không khắc phục. Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Ban quản trị tòa chung cư CT5AB nói: “Nhiều năm qua, chúng tôi sống trong sợ hãi, ngần ấy năm chúng tôi đề nghị, cầu cứu nhưng CĐT phớt lờ về an toàn PCCC. Trước vi phạm của chủ đầu tư, Cảnh sát PCCC số 9 đã nhiều lần rà soát, đề xuất và đình chỉ hoạt động nhưng dường như CĐT không có bất cứ động thái và giải pháp nào".
Chung cư cao cấp liên tiếp báo cháy giảNgười dân sinh sống tại dự án chung cư cao cấp TNR Goldsilk Complex (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) đang hết sức lo ngại về an toàn tính mạng. Theo tìm hiểu, được biết cư dân gặp phải hàng loạt bất cập tồn tại như hệ thống PCCC của tòa nhà hoạt động rất bất thường, báo cháy giả nhiều lần. Nếu trường hợp có xảy ra cháy chung cư thật mà mọi người đã quen bị báo cháy giả rồi thì hậu họa khôn lường!
Cùng cảnh hoang mang vì sợ “bà hỏa”, tại chung cư Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), sáng ngày 27/3, hàng chục cư dân đã tập trung để phản đối về tình trạng vi phạm quy định an toàn PCCC mà phía CĐT là Công ty CP Thương mại và Phát triển Việt Nam (Vietradico) cả năm qua vẫn không khắc phục. Theo cư dân Golden West, hệ thống PCCC chưa đảm bảo an toàn. Thực tế, từ tháng 10/2016, chung cư Golden West đã có hơn 400 hộ dân về sinh sống và họ sống chung với hiểm họa cháy nổ bất cứ lúc nào...
Theo quy định, các họng chữa cháy vách tường, tiêu lệnh chữa cháy phải dễ nhìn, phải có lối ra vào sẵn sàng chiến đấu thì ở đây lại bị các phương tiện bịt kín. Nguy hiểm hơn, lối thoát hiểm tại tầng hầm đã khóa kín cửa sắt và xếp các chậu cây cảnh thành vật cản. Tại tòa nhà này, một phần cho công ty Topica thuê với hàng trăm nhân viên làm việc, trong khi hệ thống đèn EXIT thoát nạn lâu nay đã không còn tác dụng.
Chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra, xem xét truy tốLiên quan đến việc xử lý chung cư vi phạm về PCCC trên địa bàn Hà Đông, theo Trung tá Trần Văn Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 9, tính đến 19/3/2018, trong số 19 công trình nhà cao tầng vi phạm về PCCC đã có 6 công trình khắc phục xong các tồn tại và được nghiệm thu gồm: Tòa nhà CT1, CT3 Xa La; Tòa nhà 143 Trần Phú; tòa New Skyline; CT2 Văn Khê; Chung cư số 7 Trần Phú. 7 công trình CĐT có khắc phục nhưng tiến độ chậm: Tòa nhà 89 Phùng Hưng, chung cư BMM, tòa nhà CT1 USilk City...
Ngoài ra, có 3 công trình CĐT không còn khả năng khắc phục tồn tại vi phạm về an toàn PCCC (tòa nhà CT5AB, CT6, CT4 Văn Khê). Hiện cơ quan CSĐT đang thu thập hồ sơ, tài liệu để xem xét truy tố theo quy định của pháp luật. Phía CĐT đã tiến hành nộp phạt vi phạm hành chính và cam kết khắc phục trong 45 ngày… Đối với tòa nhà FLC (phường La Khê) CĐT chưa nghiệm thu về PCCC đã cho một số hộ dân vào ở, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã tổ chức kiểm tra và tham mưu UBND quận cắt điện, cắt nước. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ thủ tục, báo cáo cấp trên xử phạt hành chính đối với CĐT FLC.
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PCCC ở các chung cư cao tầng, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: Hiện trên địa bàn TP còn 31 công trình tồn tại, vi phạm an toàn PCCC. Đã có 15 công trình CĐT đang có hướng khắc phục và có thể khắc phục được, còn lại 16 công trình khó có thể khắc phục bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố kết cấu xây dựng. Đối với các công trình trên, tới đây không khắc phục và nghiệm thu an toàn PCCC thì Cảnh sát PCCC TP sẽ hoàn tất hồ sơ, tiếp tục chuyển đến cơ quan CSĐT để xử lý theo quy định của pháp luật.