Còn gần 100.000 căn hộ nhà ở xã hội phải hoàn thành trong năm 2024
Kinhtedothi - Chiều 5/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, trả lời về mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội trong năm 2024 khó hoàn thành, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng nêu các giải pháp đột phá nhằm tiệm cận mục tiêu Chính phủ đặt ra trong 5 tháng còn lại của năm...
619 dự án nhà ở xã hội được triển khai
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội trong năm 2024, đến 31/7, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương trong giai đoạn 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 561.816 căn; số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án với quy mô 4.679 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 với quy mô 111.688 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 409.149 căn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 8 dự án đã hoàn thành, trong đó có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 4 dự án hoàn thành một phần với quy mô 3.136 căn; số lượng dự án được cấp phép khởi công là 5 dự án với quy mô 8.468 căn; số lượng dự án đã có chủ trương đầu tư là 9 dự án với quy mô 8.795 căn.
Mục tiêu phấn đấu đạt được trong năm 2024 theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 5/1/2024 phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ.
Với 8 dự án quy mô khoảng 3.100 căn hộ đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm, còn gần 100.000 căn hộ phải hoàn thành trong năm 2024. Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu phải thoàn thành chủ yếu phụ thuộc vào các dự án đã khởi công và hoàn thành tiến độ trong năm 2024. Đây là áp lực tiến độ lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp bộ ngành và địa phương.
Liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, qua tổng hợp đến nay có 34/64 tỉnh, thành có văn bản công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, các ngân hàng giải ngân số tiền 1.344 tỷ đồng, gồm 1.295 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỷ cho người mua nhà tại 5 dự án.
Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất trung và dài hạn bình quân của ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ ban ngành liên quan đến hồ sơ, tờ trình dự thảo Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung gói 120.000 tỷ và Nghị quyết 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay với khách hàng từ 3 - 5%, đối với khách hàng là chủ đầu tư giữ nguyên mức giảm từ 1 - 2%.
Bộ Xây dựng có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng nay (5/8), Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng thuận với nội dung đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu sớm hoàn thiện trình phê duyệt Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Rút ngắn thủ tục hành chính xây dựng nhà ở xã hội
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới như tổ chức hội nghị toàn quốc đôn đốc phát triển nhà ở xã hội trong tháng 8/2024; đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia cho vay vốn hỗ trợ và nới room các tín dụng, tạo điều kiện tăng thời hạn và giảm lãi suất hỗ trợ…
Các địa phương chỉ đạo kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bảo đảm chất lượng, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu… Căn cứ điều kiện cụ thể, từng địa phương có cơ chế, giải pháp cụ thể rút ngắn thủ tục hành chính, lập phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp triển khai dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và, tận dụng nguồn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội
Với các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thu hút đẩy nhanh xây dựng phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm mục tiêu đề án được giao.
Thủ tướng: Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể
Kinhtedothi - Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Kinhtedothi - Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn.
Bộ Công Thương: tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Kinhtedothi - Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.