Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Phát huy giá trị sản phẩm sau khi đoạt giải
Trong lần thứ 5 tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) Hà Nội, với chủ đề “Sản phẩm TCMN trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế”, cuộc thi năm 2016 đã trao giải cho 36 nghệ nhân đến từ các làng nghề trên địa bàn TP.
Không chỉ tìm ra các sản phẩm xuất sắc đoạt giải, theo đánh giá của các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cuộc thi còn tạo ra nhận thức và động lực lớn về vấn đề đầu tư thiết kế mẫu mã, qua đó tạo sức bật trong kinh doanh.
Đáp ứng các “tiêu chí vàng” thời hội nhập
Sau khi phát động cuộc thi vào tháng 6/2016, Ban tổ chức (BTC) đã nhận được 201 sản phẩm, bộ sản phẩm thuộc 7 nhóm ngành TCMN tiêu biểu của 58 cá nhân tham gia cuộc thi. Các sản phẩm dự thi đã được các chuyên gia đầu ngành với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TCMN đóng góp ý kiến để hoàn thiện thiết kế. Sau các vòng chấm thi nghiêm túc, Ban giám khảo đã lựa chọn được 36 sản phẩm đoạt giải và được UBND TP phê duyệt. Trong đó, nhóm sản phẩm gốm sứ đạt 1 giải Nhất và 6 giải Khuyến khích. Nhóm sản phẩm sơn mài đạt 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 7 giải Khuyến khích. Nhóm sản phẩm khảm trai, gỗ mỹ nghệ đạt 6 giải Khuyến khích. Nhóm sản phẩm thêu ren, lụa tơ tằm đạt 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Nhóm sản phẩm mây tre đan đạt 5 giải Khuyến khích. Nhóm sản phẩm khác đạt 1 giải Nhì và 4 giải Khuyến khích. Các sản phẩm còn lại dù không có giải nhưng cũng được Ban giám khảo đánh giá có chất lượng thiết kế tốt, được Hội đồng tư vấn góp ý để hoàn thiện sản phẩm trong quá trình thiết kế.
Với chủ đề cuộc thi năm nay là “Sản phẩm TCMN Hà Nội trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế”, theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, các sản phẩm đoạt giải đều đáp ứng cả 4 tiêu chí cuộc thi: Có tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính thương mại và thân thiện với môi trường. Các chuyên gia cho rằng, 4 tiêu chí mà BTC đặt ra được coi là những “tiêu chí vàng” để các sản phẩm TCMN có thể hội nhập, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cũng vì vậy mà trong 4 năm tổ chức các cuộc thi trước đó, 100% sản phẩm đoạt giải đều ký kết được các hợp đồng xuất khẩu, nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng rất lớn.
Điều đáng nói là ngoài việc tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao, cuộc thi còn thay đổi nhận thức và tạo ra động lực lớn cho các nghệ nhân, DN trong việc đầu tư vào khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Ông Phùng Quốc Dũng (xã Bát Tràng, Gia Lâm), người đoạt giải Nhất cuộc thi năm nay với sản phẩm Bộ đèn gốm trang trí cho biết, thông qua những cuộc thi về thiết kế mẫu mã như thế này, các nghệ nhân trong DN của ông cũng bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu, sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm không chỉ có tính nghệ thuật như trước đây mà còn đáp ứng những tiêu chí phù hợp với khách hàng quốc tế. Sở dĩ vậy vì hiện tới 90% doanh số bán lẻ của DN là từ khách quốc tế. Bản thân ông Dũng cũng đã tham gia và đoạt giải rất nhiều cuộc thi về thiết kế mẫu mã như giải Nhất Hội thi Bàn tay vàng nghề gốm sứ, giải Nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN năm nay...
Đoạt giải không phải để đó
Ông Đỗ Hùng Chiêu - Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài TP Hà Nội đánh giá, cuộc thi là dịp thuận lợi để động viên, khuyến khích các nghệ nhân cũng như thợ giỏi của Hà Nội ngoài phát triển ngành nghề của địa phương còn không ngừng phấn đấu, nỗ lực để làm ra các sản phẩm mới. Ông Chiêu bày tỏ mong muốn, trong những năm tiếp theo ngày càng có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi tham gia cuộc thi, đồng thời UBND TP, Sở Công Thương tiếp tục có những quan tâm, động viên kịp thời các làng nghề, ngành nghề truyền thống của TP.
Cùng chung nguyện vọng, ông Dũng cho biết, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã qua thời khó khăn, nhưng thị trường thì ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt. Vì vậy, ông rất mong muốn bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi, TP, Sở Công Thương sẽ có thêm nhiều hỗ trợ để DN cải tiến mẫu mã, tạo cơ hội để DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế…
Ông Vũ Đình Nhâm - thành viên Hội đồng tư vấn sản phẩm cũng cho rằng, với các sản phẩm đạt giải trong cuộc thi năm 2016, bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa về mặt nghệ thuật, còn đẩy mạnh thương mại hóa để phát triển kinh tế phục vụ xã hội. Bởi nếu chỉ “thi cho vui”, lấy giải rồi về để đó thì cuộc thi sẽ không có ý nghĩa. Chính vì vậy, tiêu chí về tính thương mại luôn là tiêu chí quan trọng để Ban giám khảo đánh giá sản phẩm.
Việc đẩy mạnh những hiệu ứng sau cuộc thi cũng được lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh. Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương khi phát động cuộc thi cũng khẳng định, dù giá trị giải thưởng cuộc thi năm nay không cao, nhưng BTC sẽ tập trung vào các khâu hậu cuộc thi để mang lại hiệu quả cao. Các sản phẩm đoạt giải sẽ được hỗ trợ để thúc đẩy sản phẩm phát triển và bán được hàng.