Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đại biểu Quốc hội: quy hoạch phải đi trước một bước

Kinhtedothi - Tham gia ý kiến đối với nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho hay, công tác quy hoạch phải đi trước một bước…

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Cần xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương

Tham gia ý kiến đối với nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho hay, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), khi Quốc hội thảo luận về nội dung giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu đã nêu vấn đề mà đại biểu cho là đang còn thiếu sót trong quy định của pháp luật về quy hoạch, đó là chưa có quy định về việc xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho hay, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Ảnh: Quochoi.vn

Do chúng ta chưa xem xét việc sửa đổi Luật Quy hoạch tại thời điểm đó nên tại mục 2.6 của Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương (đến đơn vị hành chính cấp xã) phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã qua hơn 2 năm nhưng việc triển khai của Chính phủ cũng mới dừng ở việc ban hành Kế hoạch xây dựng Quy hoạch nói trên và theo dự kiến trong kế hoạch thì phải đến hết năm 2026 mới có thể có nội dung để báo cáo Chính phủ. Đồng thời, cũng chưa có 1 văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về nội dung này để làm cơ sở cho các địa phương chủ động thực hiện việc nghiên cứu, lập quy hoạch ở cấp mình.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đa phần các nội dung quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta đều đang gắn trên địa bàn của các đơn vị hành chính cụ thể. Việc chúng ta chưa có 1 Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cấp quốc gia và việc từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng chưa có quy hoạch về đơn vị hành chính lãnh thổ thuộc địa phương mình để làm định hướng cho việc sắp xếp các không gian phát triển, tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội thực sự đang là một vấn đề bất cập.

Đại biểu băn khoăn, tại sao trong hệ thống quy hoạch quốc gia (quy định tại Điều 5 của Luật Quy hoạch) có Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mà lại không có quy hoạch đối với các việc tổ chức các đơn vị hành chính có tính phổ biến là vấn đề đại biểu chưa lý giải được. Trên thực tế, do không có quy định trong Luật Quy hoạch nên trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, các địa phương hầu như bỏ qua phần liên quan đến quy hoạch hệ thống các đơn vị hành chính trên địa bàn.

Do đó, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023 về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Thủ tướng Chính phủ đã cấp bách ban hành Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 04/7/2023 yêu cầu tất cả các địa phương tiến hành rà soát, bổ sung vào quy hoạch tỉnh nội dung liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính để làm cơ sở cho việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.

“Do đây là giải pháp mang tính tình thế nên nội dung được ghi nhận trong các quy hoạch cấp tỉnh hiện nay cũng hết sức chung chung chưa thể hiện tính chất của việc quy hoạch, làm định hướng lâu dài cho việc sắp xếp tổ chức các đơn vị hành chính cũng như định hướng cho việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với đơn vị hành chính lãnh thổ” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.

“Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, vừa qua, qua các bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm thường xuyên đề cập đến việc tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Do đó, Tổng Bí thư liên tục nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới, phải sắp xếp, phải tinh gọn lại, hướng tới yêu cầu “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

Để thực hiện được điều này, việc tổ chức một cách hợp lý các đơn vị hành chính với quy mô về diện tích, dân số phù hợp, không chỉ ở cấp xã mà còn đối với cả cấp tỉnh, cấp huyện là một trong những điều kiện căn bản và cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị với tầm nhìn chiến lược, dài hạn, xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu phát triển của từng địa phương, không phải chỉ để thực hiện các yêu cầu, mệnh lệnh chỉ đạo cụ thể của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như đối với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính thời gian qua.

Về việc này, ngay từ Nghị quyết số 17- NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa X (năm 2007) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đặt ra yêu cầu khẩn trương xây dựng và đưa vào thực hiện quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp, trên cơ sở đó ổn định cơ bản các đơn vị hành chính ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Yêu cầu này tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị năm 2018 và Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị năm 2022.

Do vậy, để thể chế hóa các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bổ sung nội dung xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và Quy hoạch đơn vị hành chính của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào hệ thống quy hoạch chung của quốc gia và quy định rõ đây là một nội dung chủ yếu cần được tích hợp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch cấp tỉnh (tại khoản 2 Điều 22 và khoản 2 Điều 27 của Luật Quy hoạch) để có cơ sở pháp lý cho Chính phủ, các địa phương chủ động nghiên cứu, chuẩn bị nội dung này trong các lần điều chỉnh quy hoạch tiếp theo làm cơ sở, định hướng cho việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tổ chức bộ máy quản lý hành chính các cấp và trực tiếp làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng trong các giai đoạn tiếp theo đúng với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước.

Giải quyết mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với Luật Điện lực (sửa đổi)

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) chỉ ra mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch chung với các quy định về quy hoạch tại các Luật chuyên ngành, hiện nay không thống nhất, đơn cử là Luật Điện lực (sửa đổi) cũng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) chỉ ra mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch chung với các quy định về quy hoạch tại các Luật chuyên ngành, hiện nay không thống nhất. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, trong Luật Quy hoạch chung quy định, khi điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn phải đảm bảo không được làm thay đổi mục tiêu, quan điểm của quy hoạch. Trong Luật Điện lực (sửa đổi) quy định thay đổi mục tiêu, quan điểm vẫn được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng trong Luật Quy hoạch chung lại không có những trường hợp như vậy, không có những căn cứ như vậy.

Hay, trong Luật Điện lực (sửa đổi), trong trường hợp cần phải bảo đảm an ninh, quốc phòng, có thể được điều chỉnh theo cái trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng căn cứ này trong Luật Quy hoạch lại không có. Trong trường hợp này, dù có trường hợp bảo đảm an ninh quốc phòng, vẫn phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục chung chứ không được điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn. Hay trong trường hợp hình thành dự án làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường thì trong Luật Điện lực (sửa đổi) quy định rằng, trường hợp đó điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng trong Luật Quy hoạch lại không có trường hợp này, không có căn cứ...

“Giữa 2 Luật này có những quy định không thống nhất, về sau này sẽ không biết trường hợp nào áp dụng quy định của Luật chuyên ngành và trường hợp nào áp dụng quy định của Luật chung” - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn.

Theo đại biểu, khi áp dụng pháp Luật, chúng ta phải giải quyết được mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch (luật chung) với các luật chuyên ngành hiện nay. Lĩnh vực điện lực có rất nhiều đặc thù cần phải có quy định liên quan tới vấn đề quy hoạch. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư có nói rằng: "Luật Quy hoạch chỉ quy hoạch những vấn đề chung thôi, còn những vấn đề chi tiết liên quan đến quy hoạch ở các ngành, các lĩnh vực thì phải do các Luật chuyên ngành quy định và áp dụng theo các quy định của Luật chuyên ngành".

Nếu chúng ta định có nguyên tắc áp dụng pháp luật như vậy, cần phải quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật - bổ sung 1 quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật ở trong Luật Quy hoạch. Hiện nay trong Luật Quy hoạch không có Điều về nguyên tắc áp dụng pháp luật. Ngoài các căn cứ Luật Quy hoạch quy định, có thể có những căn cứ khác mà Luật chuyên ngành nhận thấy những trường hợp đó cũng phải áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo không chồng chéo giữa Luật Quy hoạch với Luật Điện lực.

“Ở đây, không chỉ có Luật Điện lực, có rất nhiều luật khác có liên quan đến quy hoạch. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không được giải quyết ở ngay trong Luật Quy hoạch lần này, việc chồng chéo, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về quy hoạch sẽ tồn tại mãi, gây ra những ách tắc, vướng mắc trong thực hiện” - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ