Hệ lụy khôn lường từ hội nhóm “những người muốn tự tử”trên mạng xã hội
Kinhtedothi - Gần đây, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hội nhóm tiêu cực liên quan đến những người muốn tự tử như: "Hội những người muốn tự tử", "Những người muốn chết”, “Hội những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu”,... thu hút hàng trăm, hàng nghìn đến cả chục nghìn thành viên tham gia.
Trong nhóm “Hội những người muốn tự tử”, không ít thành viên đăng tải các bài viết mang nội dung tìm hiểu về cách tự tử, cách “ra đi” một cách nhẹ nhàng, hay thậm chí là lên tiếng kêu gọi tụ tập cùng nhau để bàn kế hoạch tự tử chung.
Áp lực tâm lý và những hệ luỵ phía sau mỗi tài khoản ẩn danh
Qua nội dung đăng tải cho thấy, hầu hết những người này đều đang phải chịu áp lực trước biến cố lớn của cuộc đời như: Phá sản, thất nghiệp, nợ nần, ly hôn,… Các yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của họ, thách thức sự thay đổi ở họ, khiến cho những bất ổn trong tâm lý ngày càng trầm trọng, không có cách giải thoát.
Tại những hội nhóm này, mỗi người có thể lập nhiều tài khoản ẩn danh mà không cần để lộ danh tính. Kèm với đó là dòng trạng thái tiêu cực thường xuyên được đăng tải như: “Tôi muốn chết nhưng tôi sợ chết một mình”, “Có thuốc nào ra đi nhẹ nhàng không?”, “Ai có thể đi cùng tôi?”,… Thậm chí, nhiều thành viên không ngần ngại đăng bài tìm mua các loại thuốc độc,...
Dòng trạng thái liên tục được đăng tải trong hội nhóm “Hội những người muốn tự tử”
Tìm đến với nhóm “Hội những người muốn tự tử”, tài khoản H.M.L. (19 tuổi) mong rằng bản thân sẽ không còn cô độc và phải chịu những áp lực tâm lý một mình. M.L. chia sẻ, ở độ tuổi này bản thân chưa làm được gì. Cứ thế, mỗi ngày M.L. giam mình trong hố sâu tiêu cực và không biết làm cách nào có thể thoát ra.
“Mình từng muốn thay đổi bản thân, muốn được ra ngoài để khám phá nhiều thứ, mơ về một cuộc sống tốt đẹp và không còn những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, bản thân không thể chiến thắng được điều đó, mình bị nấp sau cái bóng của những tiêu cực, không làm chủ được cảm xúc”, M.L. bày tỏ.
Đã 3 lần M.L. tự “giải thoát” bản thân khỏi cuộc đời, nhưng đều thất bại. Sau những lần đó, M.L. vẫn bị đắm chìm vào dòng suy nghĩ tiêu cực và luôn khiến bản thân rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
Tương tự, một tài khoản khác với tên ẩn danh H.D. chia sẻ, bản thân luôn bị coi là vô dụng trong cuộc sống, H.D. tìm đến mạng xã hội như một cách để cầu cứu: “Từ khi cảm thấy mình sẽ trở thành gánh nặng, tôi đã xác định trước mình sẽ thế nào. Không ai trên thế giới này được hạnh phúc cả, vậy giải thoát là điều tốt nhất, ai có thể đi cùng tôi?” H.D. chia sẻ.
Phía dưới mỗi bài đăng, đã có từ 10 - 12 người hồi đáp lại với nhiều nội dung khác nhau. Bên cạnh những lời động viên, đồng cảm, có không ít ý kiến tiêu cực như: “Dứt khoát đi, tôi cũng muốn đi rồi”, “Thích chết thì thiếu gì cách, sống mà như chết thì chết quách cho xong"…
Thậm chí, với nhiều tài khoản ẩn danh, họ sẵn sàng chỉ chi tiết cách tự tử bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều đáng nói, các tài khoản này đều tỏ ra rất dứt khoát trong việc dụ dẫn những người đang tiêu cực đến với cái chết nhanh nhất. Thậm chí, họ sẵn sàng công khai những thiết bị như súng, đạn, dây thừng,… khiến cho tâm lý của người trong hội nhóm càng trở nên trầm trọng hơn.
Một số tài khoản hướng dẫn chi tiết cách tự tử bằng nhiều cách khác nhau.
Cần tìm đến chuyên gia tâm lý
Thực tế, người mắc chứng trầm cảm rất muốn kết nối một điều gì đó để họ có thể vượt qua được. Đặc biệt, những người bị trầm cảm thường có nhu cầu chia sẻ rất lớn, nên họ thường kết nối với người có cùng hoàn cảnh.
Tuy nhiên việc kết nối với những người trong cùng hoàn cảnh rất dễ khiến họ rơi vào trạng thái bất ổn hơn, bởi đa phần trong số họ thường có suy nghĩ tiêu cực. Nguy hiểm hơn, họ muốn huỷ hoại bản thân nên việc cộng hưởng giữa các nỗi đau khiến cho mong muốn tự tử càng trở nên nghiêm trọng hơn.
“Nếu nghe về một vấn đề tiêu cực mà người chia sẻ không phải là một nhà trị liệu tâm lý hoặc bác sỹ thì những bạn đó sẽ cảm thấy không có định hướng và tâm trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Đó là lý do vì sao những bạn bị căng thẳng, trầm cảm khi tham gia vào những hội nhóm như thế này thì tỷ lệ và suy nghĩ tiêu cực của các bạn lại gia tăng hơn. Chính vì thế mức độ trầm cảm của họ cũng từ đó bị tăng lên.” - Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, khi có những mối quan hệ bất ổn hay cảm giác hư tổn về mặt cảm xúc, điều quan trọng là cần tìm được sự kết nối chuyên nghiệp đến các nhà tư vấn để đồng hành và chia sẻ. Và khi những vấn đề bệnh lý ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thì cần tìm tới sự hỗ trợ chuyên nghiệp như bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý,…
Đối với không gian mạng, mỗi người cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia vào hội nhóm và nên tỉnh táo rời đi nếu cảm thấy đây là môi trường không lành mạnh. Bởi có thể một ngày, nếu thành viên tham gia không làm chủ bản thân, những hội nhóm này sẽ là "con dao hai lưỡi" gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Kháng cáo bất thành, bị cáo lao vào xe máy tự tử
Kinhtedothi - Chiều nay (13/1), sau khi HĐXX tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, bị cáo Lê Phước Trung đã đập đầu vào ghế, còn bị cáo Lâm Hải Long (SN 7/8/1999) chạy ra đường lao đầu vào xe máy tự tử...
Tuyên án nam thanh niên 17 tuổi mua bán pháo trên mạng xã hội
Đây là vụ án được các cơ quan tố tụng xác định xử điểm, để tạo sự răn đe, phòng ngừa chung đối với các hành vi, đối tượng cố tình mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo.
Cảnh giác với các chiêu lừa kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội
Kinhtedothi - Trong những năm qua, sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, đây cũng là môi trường lý tưởng để các đối tượng hình sự thực hiện hành vi lừa đảo, phổ biến là hình thức kêu gọi từ thiện để trục lợi.