Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đạo làm con và chữ hiếu thời nay

Kinhtedothi - Mùa Vu lan, không ít câu chuyện về đạo hiếu của con cháu với các bậc sinh thành được chia sẻ, làm nên những mảng màu đẹp trong cuộc sống.

Nhưng cũng có những câu chuyện về cách ứng xử của con cái với bố mẹ tạo ra nỗi day dứt, đắng lòng. 

Hình ảnh con trai hành hung cha ở Bình Dương cuối tháng 4 vừa qua gây bức xúc trong dư luận. (Ảnh cắt từ clip)

“Mày có về ngay không, ông ra ông táng cho một cái giờ”, tiếng người thanh niên hét lên làm những người đang tập thể dục ở vườn hoa khu tập thể giật mình. Mọi người tưởng anh đang quát em hay con mình, nhưng không, người bị quát lại là mẹ anh, bà đang lầm lũi bước phía trước. Một bà quay lại bảo: “Sao cháu lại nói với mẹ thế”. Anh ta giơ nắm đấm ra: “Các bà biến đi, không tôi cũng táng cho đấy. Biết gì mà xen vào”. Mẹ anh vội quay lại rầu rĩ: “Thôi, tôi xin các bà đừng động vào, nó lại đánh cho thì khổ”. Anh ta tiếp tục quát tháo, rồi chạy lại lôi xềnh xệch mẹ mình lên nhà. Cảnh tượng ấy không chỉ làm buồn lòng những người chứng kiến, mà còn khiến ai nấy ngạc nhiên đến chán nản. Một bà bảo: “Tôi mà nhục như thế thì chỉ có nước tự tử”. Nhưng sự đời nào có đơn giản vậy, không phải hôm nay, mà từ lâu rồi, người mẹ già đã phải nuốt nước mắt vào lòng trước những trận chửi mắng, thậm chí là đánh vô cớ của con, chỉ vì bà làm trái lời anh ta, nhưng bà nào có chết được. Có lẽ, cái cảnh tủi nhục của bà cũng không phải là hiếm trong cuộc sống hiện nay.
Chuyện nghe có vẻ ngược đời, nhưng đúng là hiện tượng con cái... áp bức bố mẹ không hề ít. Điều đáng nói là ngoài những gia đình không hạnh phúc, con cái hư hỏng, không ít gia đình khá giả, được coi là nền nếp, bố mẹ trí thức, có địa vị xã hội cũng vẫn bị con cái ức hiếp. Không chỉ những người con đã trưởng thành quay ra quát mắng bố mẹ già, nhiều đứa con chưa thoát khỏi vòng tay bố mẹ đã học thói “bắt nạt” người đang nuôi dưỡng mình mà không băn khoăn gì về đạo hiếu.
Những ngày rằm tháng Bảy vừa qua, không ít người con “gửi” đến các bậc sinh thành đã khuất núi của mình mâm cao cỗ đầy, tiền vàng vô số. Nhưng trong số đó, ai dám chắc rằng, không có đứa con nào từng chưa tròn đạo hiếu với bố mẹ mình khi còn sống. Câu chuyện về một gia đình có hai người còn trai, phân công nhau nuôi bố mình theo từng tháng có lẽ không quá hiếm hiện nay, nhưng người nghe vẫn không khỏi rơi nước mắt. Người bố ấy đã tần tảo nuôi hai con trai khôn lớn trong cảnh "gà trống nuôi con" suốt mấy chục năm trời. Lo cho con ăn học đại học, rồi lo cho cả hai có chỗ làm tử tế. Khi cả hai lấy vợ thì bố đã già, họ bàn với ông bán ngôi nhà cũ để chia tiền cho hai con mua nhà riêng, rồi bố muốn ở với con nào cũng được. Thương các con, ông chấp nhận bán để chúng thêm tiền mua hai ngôi nhà ở nơi khác. Nhưng khi đã có cơ ngơi riêng, họ phân công nhau chăm ông hàng tháng, thậm chí hơn thua một ngày cũng tị nạnh nhau. Tủi nhục đấy, nhưng ông cũng đành nuốt nước mắt ngậm ngùi.
Ai đó đã nói, có bố mẹ già như báu vật của gia đình. Nhưng với nhiều người, “báu vật” ấy là một gánh nặng, một sự phiền hà không có cách gì rũ bỏ. Họ đành tìm cách để bố mẹ già tách ra khỏi cuộc sống của mình. Nếu không thể đùn đẩy cho ai, thì có người “nhốt” các cụ lại trong một căn phòng và coi như thế đã là làm tròn phận sự. Một người mẹ cũng rơi vào hoàn cảnh bị con “cấm cung”, mỗi lần có người họ hàng ở quê ra thăm, cụ lại bám chặt lấy, nài nỉ họ cho về quê cùng. Dù về đấy có nhịn đói, hay ăn khoai, ăn sắn cũng được. Ở đây, cụ không thiếu gì cả, nhưng thiếu tình cảm, thiếu tiếng cười. Mang tiếng ở cùng nhà với con cháu, mà có bao giờ được gặp mặt. Mấy đứa chắt nhỏ, mỗi lần tò mò định vào chơi với cụ, lập tức bị bố mẹ chúng gọi giật lại, nói vào đấy làm gì, nhỡ cụ lại lây bệnh gì cho thì sao. Thương cụ, nhiều người trong họ cũng mở lời xin cho cụ về quê chơi ít hôm, con trai cụ lập tức quát lên: “Tôi không nuôi được mẹ hay sao, mà phiền đến mọi người”. Cứ thế, dần dần không ai dám đến thăm cụ nữa. Cụ đã cô độc, lại càng cô độc hơn trong chính căn nhà của con cháu mình.
Đúng là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con cái quá bận rộn không có thời gian để chăm sóc, quan tâm đến bố mẹ già, chữ hiếu cũng khác đi. Hơn nữa, do nhà cửa chật hẹp hoặc cao tầng, để các cụ đi lại không tiện, nhưng “nhốt” các cụ lại cho yên chuyện hoặc phân công nhau nuôi, đánh chửi cả mẹ mình thì... thật là khó chấp nhận.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cách tính tiền lương làm thêm ngày Tết Nguyên đán năm 2025

Cách tính tiền lương làm thêm ngày Tết Nguyên đán năm 2025

26/01/2025 | 22:07

Kinhtedothi – Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 kéo dài 9 ngày liên tục. Trường hợp người lao động đi làm thêm ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được hưởng 400% tiền lương.

Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ