ĐBQH: Rà soát các thủ đoạn phạm tội "mua bán người", tránh bỏ lọt tội phạm
Kinhtedothi-Sáng 24/6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn khái niệm "mua bán người" và các hành vi mua bán người; đồng thời, tăng cường các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi này.
Bổ sung nhóm nạn nhân của hành vi cưỡng bức lao động
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn tỉnh Quảng Bình) nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người như Tờ trình của Chính phủ. Quan tâm tới phạm vi và đối tượng điều chỉnh, đại biểu cho biết, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và điều kiện bảo đảm phòng, chống mua bán người, quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.
Đại biểu cho rằng việc bổ sung đối tượng này là một chính sách quan trọng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung nạn nhân là nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động quy định tại các khoản 2, 3, 4 điều 2. Bởi rất nhiều trường hợp, ngay trong các doanh nghiệp cũng có thể có cưỡng bức lao động; đồng thời đề nghị bỏ khoản 2 điều 3 bởi đây là những hành vi không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Đoàn tỉnh Kon Tum) đề nghị, tại khoản 4, điều 5, ngoài việc ưu tiên bố trí ngân sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cũng cần ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhóm đối tượng là “người khuyết tật” vào nhóm đối tượng tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tình hình mua bán người.
Đề xuất đưa vào nội dung dạy học bắt buộc ở vùng cao
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, chương 2 của Dự thảo Luật quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhưng điều 7 nội dung Dự thảo Luật quy định còn chung chung. Tại khoản 2 quy định về nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhưng không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể ra sao.
Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, trong Dự thảo Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người; giúp học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ, có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, tội phạm mua bán người rất nguy hiểm và đáng bị lên án. Góp ý về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các cấp, thành viên của mặt được quy định tại điều 19 của Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị: các cấp, ngành cần định kỳ tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác xã hội cho cơ sở thuộc tổ chức công giáo trong lĩnh vực hoạt động xã hội. Đồng thời hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, hỗ trợ để cơ sở thuộc tổ chức công giáo làm tài liệu, cùng với chính quyền địa phương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những quy định của pháp luật đến người dân.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi Bộ luật Hình sự đã thu hẹp với người phạm tội mua, bán người. “Việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mua, bán người trước đây chỉ cần chứng minh có hành vi mua, bán người, nhưng sau đó thêm mục đích, thêm thủ đoạn. Điều này sẽ đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng một nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Vì chứng minh hành vi phạm tội đã khó, chứng minh thủ đoạn phạm tội càng khó và chứng minh mục đích phạm tội lại càng khó hơn nữa. Vì vậy, việc đưa ra xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn” - đại biểu nêu rõ.
Do đó, muốn phòng chống mua, bán người ngày càng hiệu quả, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, cần phải tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội rộng hơn.
Cụ thể, thứ nhất có thể cân nhắc thu hẹp mục đích, thu hẹp thủ đoạn phạm tội mua bán người. Thứ hai, quy định hành vi chuẩn bị phạm tội mua, bán người.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, với 2 cách như vậy, chúng ta sẽ có công cụ pháp lý để trừng trị một cách thích đáng, không bỏ lọt tội phạm và mới đạt được mục đích của hình phạt (phòng ngừa riêng, phòng ngừa chung). Qua đó mới nâng cao hiệu quả thực hiện luật phòng, chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới.
Bổ sung chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với nạn nhân mua bán người
Kinhtedothi-Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 7/6, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Cần ưu tiên hỗ trợ nạn nhân mua bán người là phụ nữ và trẻ em
Kinhtedothi-Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người bổ sung nhiều quy định nhân văn và tiến bộ như: quy định bảo vệ nạn nhân, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
ĐB Quốc hội đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự khi mua bán thai nhi
Kinhtedothi - Thảo luận về Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi hành vi mua bán thai nhi ngày càng phức tạp, tinh vi. Trong khi đó, hiện nay các quy định của pháp luật vẫn chưa đầy đủ, không có căn cứ để xử lý.