Đề xuất luật hóa việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
Kinhtedothi- Chiều 22/5, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 89 điều.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, đa số ý kiến nhất trí cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi ”- Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu. Do đó, thay vì đưa 2 phương án như trước đậy, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định "cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", quy định tại khoản 2 Điều 10 Dự thảo Luật.
Đồng thời nhận định, việc cấm nồng độ cồn khi lái xe trên thực tiễn đã phát huy kết quả tốt, ngày càng đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe".
“Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định, chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, nhất là khi bị ép uống, khó làm chủ bản thân. Quy định ngưỡng cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý”- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói.
Đồng thời khẳng định, quy định hiện hành về cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, không làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Hơn nữa, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dẫn số liệu năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Dự thảo Luật trình lần này, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định Bộ Công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Khoản trích này được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hàng năm, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại khoản 3, Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1, Điều 5 Dự thảo Luật.
Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Đại tướng Tô Lâm được Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước
Kinhtedothi- Sáng nay, 22/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành quy trình bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm được bầu giữ chức Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026.
Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Gia Nghĩa -Chơn Thành
Kinhtedothi- Sáng 22/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm
Kinhtedothi- Sáng 22/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã phê chuẩn chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm. Trước đó, Đại tướng Tô Lâm đã được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026.