Địa chí Đông Anh: Góc nhìn toàn cảnh về mảnh đất lịch sử
Sau 3 năm ấp ủ, thành quả của 100 nhà khoa học và cán bộ Nhân dân huyện Đông Anh chính thức ra mắt với tên gọi “Địa chí Đông Anh”.
Để hiểu hơn về giá trị của công trình nghiên cứu liên ngành, đa ngành – vẫn được gọi là Bách khoa thư về Đông Anh, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Tổng chủ biên cuốn sách “Địa chí Đông Anh”.
Bách khoa thư về Đông Anh
“Địa chí Đông Anh” là một sách quý có giá trị như một bách khoa thư về Đông Anh. Với hơn 1.500 trang sách khổ lớn, cùng một khối lượng tư liệu đồ sộ, phong phú và cập nhật, thông qua cách trình bày khoa học, hợp lý, kết hợp giữa mô tả, khảo tả với sự nhận xét, đánh giá, bình luận một cách khách quan. Bộ sách cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện, có hệ thống về quá trình hình thành, vận động và phát triển của Đông Anh – một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn làm “điểm tựa” cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Với vai trò là Tổng chủ biên, GS có thể cho biết những giá trị khái quát của cuốn sách “Địa chí Đông Anh”?
- Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của hơn 100 nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực, khảo cổ, lịch sử, kinh tế, địa lý… và cán bộ Nhân dân Đông Anh trong suốt 3 năm (tháng 1/2012 đến tháng 12/2014). Sách dày 1.500 trang, được bố cục thành 4 phần, 20 chương với từng phần lớn như: Địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa. Trong mỗi phần lại được chia ra một số mảng như: Địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, dân cư, lịch sử cổ đại, lịch sử cận hiện đại, kinh tế trước và sau đổi mới; giáo dục chính trị xã hội; văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, nhân vật lịch sử văn hóa… “Địa chí Đông Anh” triển khai nghiên cứu và biên soạn theo hướng tiếp cận liên ngành, đa ngành, khu vực học gắn với phát triển khoa học phát triển.
“Địa chí Đông Anh” là cuốn đầu sách địa chí cấp huyện đầu tiên. Để cho ra đời một cuốn địa chí sẽ tốn nhiều công sức và tiền của. Ông có thể cho biết, tại sao huyện Đông Anh lại cần có một cuốn địa chí?
- Đông Anh là một vùng địa lý, lịch sử, văn hóa có vị thế hết sức đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, ở trung tâm châu thổ sông Hồng. Tuy có nhiều công trình nghiên cứu giới thiệu tổng thể nhưng trong suốt lịch sử 140 năm với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện, Đông Anh chưa từng có xuất hiện một bộ địa chí nào. Trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội, Đông Anh giữ vai trò trọng yếu với mục tiêu nhanh chóng trở thành bộ phận phát triển cao nhất và năng động. Yêu cầu này đòi hỏi phải tổng kiểm đếm tất cả các nguồn lực, phải biết thật chính xác Đông Anh đang ở vị trí nào trong lộ trình phát triển và có những lợi thế gì và đang phải đối mặt với những thách thức nào. “Địa chí Đông Anh” nếu được triển khai một cách chuẩn xác sẽ cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ cho các chiến lược phát triển của huyện và của Thủ đô.
GS đã từng là chủ biên cuốn “Địa chí Cổ Loa”, vậy cuốn “Địa chí Đông Anh” này khác biệt và có sự kế thừa gì với “Địa chí Cổ Loa”?
- “Địa chí Cổ Loa” là sự tổng hợp kết quả nghiên cứu về vùng đất Cổ Loa của giới khoa học trong và ngoài nước suốt hơn nửa thế kỷ qua. Công trình đã khắc họa diện mạo văn hóa của Cổ Loa. Đây là món quà quý để dâng lên đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, Cổ Loa chỉ là một cuốn địa chí cấp xã, nằm trong 24 xã và thị trấn của huyện Đông Anh. Nên “Địa chí Đông Anh” có tầm tổng quát, bao quát rộng hơn “Địa chí Cổ Loa”, và cũng kế thừa những kết quả nghiên cứu cũng như thực hiện của “Địa chí Cổ Loa”.
Không là công trình trong “tủ kính”
Lý do gì mà GS dành nhiều tâm huyết cho Đông Anh đến vậy, trong khi tại Việt Nam vẫn còn nhiều vùng trống chưa được các nhà khoa học quan tâm đến?
- Vì Đông Anh là vùng đất kết tinh các giá trị của lịch sử và văn hóa Việt Nam nên ngay từ buổi đầu tiên được vào học khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1969), tôi đã được các thầy Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn cho đi thực tập Sử học và Khảo cổ học ở Đông Anh. Rồi từ đó tôi gắn bó với Đông Anh, có đến gần nửa thế kỷ xem Đông Anh như quê hương của mình. Tôi không thể nào quên những ngày đêm dầm dãi nắng mưa trên công trường thủy lợi Phạm Văn Lộ ở Hà Vĩ, Liên Hà, khắc phục hậu quả của trận lụt lịch sử năm 1971.
Rồi những đợt hướng dẫn sinh viên đi sưu tầm, tập hợp tư liệu, những lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở về “Hòa giải thôn làng” và cho đến cuốn “Địa chí Cổ Loa” từng được đánh giá là tiêu biểu cho hàng địa chí cấp xã. Từ lâu tôi ao ước được góp phần xây dựng “Địa chí Đông Anh” và thật may mắn là các đồng chí lãnh đạo huyện Đông Anh đã tin tưởng ủy thác cho tôi công việc mà tôi hằng yêu thích. “Địa chí Đông Anh” đối với tôi vừa là cái “duyên” vừa là cái “nghiệp”.
Theo GS, phải làm gì để công trình nghiên cứu này không chỉ nằm trong “tủ kính”, mà phát huy được hiệu quả nghiên cứu?
- Đông Anh đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh, với lộ trình vài chục năm nữa là một trong các vùng đô thị trung tâm mở rộng của Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, khi lãnh đạo huyện Đông Anh có chủ trương thực hiện cuốn sách này là đã xác định phải có cái nhìn khách quan, tổng thể giúp cho Đông Anh hướng đi bền lâu. Mấy hôm nay tôi luôn nhận được điện thoại hỏi han về cuốn sách. Tôi tin rằng, công trình “Địa chí Đông Anh” sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận, sẽ được lãnh đạo huyện Đông Anh khai thác, sử dụng như một công cụ hiệu quả cho các chương trình kế hoạch phát triển của huyện, chứ chắc hẳn không chịu nằm im trong “tủ kính” như bạn lo ngại.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống nhằm biến đó thành động lực cho sự phát triển của huyện Đông Anh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là lý do chúng tôi thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu để xuất bản ra bộ sách “Địa chí Đông Anh”. Suốt gần 4 năm qua, địa phương đã phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực để cho ra đời cuốn sách ghi lại lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên, xã hội, cũng như những tiềm năng, lợi thế phát triển huyện Đông Anh trong thời gian tới. Bộ sách sẽ được phát hành đúng dịp kỷ niệm 140 năm thành lập huyện hứa hẹn sẽ là tư liệu quý phục vụ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cũng như cho công tác nghiên cứu khoa học những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm |