Điều chỉnh càng sớm càng tốt
Kinhtedothi - Mức giảm trừ gia cảnh quá lỗi thời so với điều kiện thực tế cuộc sống được các chuyên gia, người làm công ăn lương liên tục kiến nghị trong nhiều năm nay.
Vấn đề này cũng tốn không ít giấy mực của các cơ quan truyền thông. Tuy vậy, mặc cho điều chỉnh tăng lương cơ sở, giá cả hàng hóa leo thang, nhưng đến nay, mức giảm trừ gia cảnh vẫn chưa “nhúc nhích”.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng với người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp…, số còn lại mới là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.
Quả thực, trong bối cảnh vật giá leo thang, cuộc sống ngày càng đắt đỏ, mức giảm trừ gia cảnh trên không thấm vào đâu. Có một thực tế bất cập là nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu với đồng lương, nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Điều đáng nói, theo quy định hiện hành, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Quy định này được đánh giá là quá cứng nhắc, không phù hợp và gây bất lợi cho người nộp thuế. Bởi khi kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá cả thị trường cũng tăng, nên với mức giảm trừ gia cảnh cố định chỉ thuận tiện cho việc tính toán và thực hành thu.
Nói về những bất cập trên, tại buổi họp báo thường kỳ chiều 7/1 vừa qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự báo cuối năm 2025, CPI có thể biến động thêm. Do đó, Bộ Tài chính đã có kế hoạch báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, điều chỉnh theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm gánh nặng cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Bộ Tài chính nhận định, giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng và chi tiêu bình quân trong giai đoạn nhất định. Song song với đó, nhà điều hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân (trong đó có nội dung về giảm trừ gia cảnh…) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, thông lệ quốc tế.
Động thái này của Bộ Tài chính khiến nhiều người làm công ăn lương vui mừng. Tuy nhiên, theo dự kiến, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026. Điều này đồng nghĩa, để Luật chính thức có hiệu lực thì còn phải chờ thêm một thời gian dài nữa. Trong khi, giá cả, thị trường vẫn hàng ngày biến động. Thực tế đời sống của người dân không thể đợi Luật. Vì vậy, nhiều ý kiến kiến nghị cần điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống chứ không thể chờ đến khi Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế được thông qua và có hiệu lực sau 2 năm nữa. Phải nâng mức giảm trừ gia cảnh làm sao cho phù hợp để tăng mức sống của người dân mỗi ngày một tốt hơn mới đúng mục đích của Chính phủ kiến tạo đời sống người dân.
Quảng Ninh: ngành Thuế sẽ bứt phá tạo đà phát triển trong năm 2025
Kinhtedothi - Năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt trên 57.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 39.530 tỷ đồng (tăng 1.964 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao).
Vĩnh Phúc tiếp tục công khai 102 doanh nghiệp nợ thuế gần 500 tỷ đồng
Kinhtedothi - Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc vừa công khai 102 doanh nghiệp nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 468 tỷ đồng, tính đến thời điểm 31/11/2024.
Năm 2024, ngành thuế TP Cần Thơ thu ngân sách vượt dự toán
Kinhtedothi - Trong năm qua, ngành Thuế TP Cần Thơ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu, thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh. Nhờ đó, năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP đạt 12.242 tỷ đồng, đạt 101,32% dự toán, bằng 112,90% so với cùng kỳ.