Không thể “một sớm một chiều”
Kinhtedothi - Hầu như năm nào vào thời điểm này, trên các phương tiện truyền thông lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng không khí (AQI) Hà Nội. Năm nay cũng không có gì khác, khi chỉ số AQI thường xuyên ghi nhận ở mức 201 - 300, rất có hại cho sức khỏe.
Thậm chí có thời điểm, Hà Nội nhiều ngày xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới. Nhiều người đặt câu hỏi: Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng vì sao chất lượng không khí vẫn chưa được cải thiện?
Thực ra, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc trong việc cải thiện chất lượng không khí. Tháng 3/2024, Hà Nội ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đây là lần đầu tiên Hà Nội ban hành kế hoạch tổng thể, đưa ra các mục tiêu cụ thể như 75 - 80% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình. Đến năm 2030, nồng độ bụi PM 2.5 ở phần lớn trạm nội đô dưới mức 40 μg/Nm3 và dưới 35 μg/Nm3 đối với ngoại thành.
Để giảm ùn tắc giao thông cũng là giảm ô nhiễm do khói xe, hai năm nay, TP tổ chức 4 tổ liên ngành do Sở GTVT làm cơ quan thường trực để thực hiện điều tiết phân luồng, xóa điểm ùn tắc; thiết kế làn đường riêng cho xe đạp. Hiện Hà Nội đã thí điểm tuyến đường cho xe đạp trên đường ven sông Tô Lịch (đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) và chuẩn bị triển khai đường xe đạp bao quanh công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm.
TP cũng mới ban hành Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.Dự kiến đến năm 2035, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Nhằm hạn chế bụi đường, Hà Nội cũng đang xây dựng gói thầu liên quan đến vệ sinh môi trường theo hướng phân cấp cho các quận, huyện tăng cường việc tưới nước rửa đường, đặc biệt là vào mùa khô.
Cùng đó, từ năm 2021 đến nay TP đã trồng mới hơn 133.000 cây bóng mát, 100.000 cây cảnh và 550.000 cây mảng, thảm cỏ. Riêng năm 2023, diện tích rừng trồng mới đạt 47ha, nâng tổng diện tích rừng toàn TP lên gần 18.600ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 6%. Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc làm sạch các dòng sông nội đô, đặc biệt là sông Tô Lịch…
Thống kê sơ bộ như vậy đã thấy, Hà Nội làm được không ít việc mà chất lượng không khí vẫn có ngày ô nhiễm đứng đầu thế giới. Công bằng mà nói, nguyên nhân ô nhiễm không phải chỉ từ nguồn tự thân Hà Nội, mà còn do ô nhiễm từ nguồn của cả một số tỉnh lân cận chưa được kiểm soát. Và điều quan trọng, những thay đổi về thời tiết như mưa, gió, độ ẩm… cũng ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm mức độ ô nhiễm.
Hơn nữa, vào thời điểm này, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, thi công xây dựng… đều đang khẩn trương, tăng tốc hoàn thành để đón chào năm mới Ất Tỵ 2025 nên càng làm gia tăng bụi mịn. Trong khi đó, mùa đông đến, thời tiết ít gió, ít nắng, độ ẩm không khí cao khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán được, tích tụ gây ô nhiễm kéo dài.
Bởi thế, dù Hà Nội có triển khai nhiều giải pháp nhưng cũng khó cải thiện được chất lượng không khí đạt chuẩn nếu điều kiện thời tiết không đổi, người dân đứng ngoài cuộc và nguồn phát thải từ các tỉnh lân cận vẫn đổ về. Điều này đồng nghĩa, chúng ta đành phải chấp nhận việc Hà Nội đến hẹn lại… ô nhiễm, mọi giải pháp vẫn như “nước đổ lá khoai”, trong khi hạn chế nguồn phát phải làm từng bước, không thể trong một sớm một chiều.
Nghệ An: ba người trong một gia đình gặp tai nạn giao thông thương tâm
Kinhtedothi - Ngày 8/1, trên tuyến đường quốc lộ 7C đoạn qua địa phận xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 3 người trong một gia đình thương vong.
Người tham gia giao thông tuân thủ đèn tín hiệu sau khi mức phạt tăng cao
Kinhtedothi – Sau một tuần triển khai Nghị định 168, ý thức tuân thủ luật giao thông của đa số người dân được cải thiện, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông Thủ đô.
Nghệ An: hai người tử vong vì tai nạn giao thông
Kinhtedothi - Ngày 9/1, trên quốc lộ 46A đoạn qua địa bàn huyện Nam Đàn và trên đường Hồng Bàng, TP Vinh (Nghệ An) xảy ra hai vụ tai nạn giao thông khiến hai người tử vong tại chỗ.