Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Điều chỉnh, bỏ quy định nhà báo bị phạt khi livestream tại phiên tòa

Kinhtedothi- Sáng 18/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Dự thảo Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến ngày 15/8.

So với Dự thảo Pháp luật được trình ngày 15/8, Dự thảo Pháp lệnh sau khi chỉnh lý, tiếp thu và trình thông qua đã không còn quy định: Phạt 15-30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa hay ghi âm thanh của người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Đồng thời, đề xuất phạt tiền 15-30 triệu đồng với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án; phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của tòa án cũng bị bỏ ra khỏi Pháp lệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, liên quan quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, có ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng. Nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định “Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ". Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung: "Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa".

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quy định thống nhất giữa pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, khoản 4 Điều 23 về mức phạt tiền từ 1-7 triệu đồng, điểm c và điểm d được chỉnh lý như sau: "Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự".

Điều 22 quy định nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí bị phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau phiên họp ngày 15/8, đã có một số nhà báo gọi điện cho ông, hỏi tại sao dự thảo pháp lệnh không cho nhà báo ghi âm, ghi hình, livestream. "Tôi có giải thích, nhà báo có quyền như vậy nhưng người khác cũng có quyền rất thiêng liêng. Chẳng hạn, anh có một người em gái đang liên quan đến vụ án hôn nhân, trước phiên tòa em gái anh trình bày lý do tại sao ly hôn, tài sản có cái gì, tiền bạc bao nhiêu mà không chia..., nếu có ai đó livestream toàn bộ tài sản em của anh lên trên mạng cho cả thế giới biết thì anh có chịu được không, anh có đồng ý không? Một nguyên tắc lớn ở đây là bảo vệ quyền con người, anh không thể sẵn sàng ghi âm, ghi hình để đưa câu chuyện này lên trên mạng được, luật quy định là để bảo vệ quyền riêng tư của con người" - Chánh án TANDTC nói.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời ví dụ thêm, trường hợp hai bên tranh chấp về hợp đồng, tài sản ký kết bao nhiêu mà livetream đưa hết lên mạng, không được phép của người dân và những người tham gia phiên tòa là vi phạm quyền nhân thân. Kể cả trong vụ án hình sự cũng vậy, không chỉ có bị can, bị cáo - những người bị hạn chế quyền con người, mà có cả bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có quyền bảo vệ bí mật tài sản của người ta. Các vụ án xâm hại nhân thân, xâm hại nhân phẩm mà bây giờ cũng ghi âm, ghi hình, livestream đưa hết lên mạng là câu chuyện vi phạm quyền con người. “Pháp luật chúng ta cũng như các nước trên thế giới quy định chuyện này là xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người"- Chánh án TANDTC nhấn mạnh.

Khẳng định việc livestream, ghi âm, ghi hình mà không được sự cho phép của Chủ tọa là không được, Chánh án TANDTC mong người dân và truyền thông tôn trọng, chia sẻ áp lực của các Thẩm phán khi đứng trước mục tiêu lớn là phải đưa ra phán quyết đúng đắn liên quan các sinh mạng và bảo đảm quyền con người.

Trao đổi thêm về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết ở pháp lệnh đã thông qua, đối tượng của quy định cũng thay đổi, thay vì là nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý thì nay mọi người vi phạm về quy định ghi âm, ghi hình đều bị xử lý để đảm bảo công bằng, tính tôn nghiêm của phiên tòa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến ngày 15/8. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh. Tiếp thu ý kiến này, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với các cơ quan bổ sung nội dung nêu trên vào Điều 1 của Dự thảo Pháp lệnh.

Liên quan thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh, bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.

Về hình thức xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng như trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp có nêu ví dụ, đối với hành vi vi phạm của Luật sư, Dự thảo Pháp lệnh không quy định hình phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn” như các Nghị định của Chính phủ. Đánh giá đây là việc rất “nặng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thẩm quyền thế nào, khi nào tước giấy phép hành nghề thì vẫn nên theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, điều chỉnh, nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh trước khi ký ban hành.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% thành viên có mặt tán thành thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ