Doanh nghiệp gia đình: Muốn thăng hoa, phải có tình yêu
Kinhtedothi - Trên thế giới, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 2, 12% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 3 và chỉ 3% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 4 và các thế hệ tiếp theo. Quá trình chuyển giao sẽ càng khó khăn hơn đối với DNGĐ Việt Nam.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/6, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện DNGĐ cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn tới sự thành công trong chuyển giao DNGĐ, trong đó quan trọng nhất là tình yêu và sự thấu hiểu, tin tưởng.
Linh hoạt, cởi mở trong tư duy
Là thế hệ thứ ba trong một DNGĐ, ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam cho biết, chuyển giao thế hệ là sự hiểu nhau. Ví dụ, thế hệ F1 có thực sự hiểu thế hệ F2 hay không. Bên cạnh đó, nền kinh tế tuần hoàn đặt ra yêu cầu về thay đổi mô hình kinh doanh trong xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Thế hệ F2 là thế hệ đang tiếp nhận những dấu hiệu thay đổi này, do đó, cần để thế hệ này phát huy những yếu tố trong phát triển DN ở giai đoạn tiếp theo của DNGĐ.
Tương tự, đại diện cho thế hệ F2 trong DNGĐ, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, tất cả các thế hệ phải thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình phải cởi mở hơn khi cùng tham gia điều hành tổ chức. Mục tiêu của tổ chức, của DN cần được ưu tiên trên hết. Thế hệ đi trước cần sẵn sàng tiếp thu những cái mới, lắng nghe quan điểm của thế hệ đi sau khi những quan điểm đó phù hợp với xu thế phát triển.
Tại Tân Hiệp Phát, quyền lực vô hình của nhà sáng lập được tách ra tới 2 - 3 vai trò là Chủ tịch HĐQT, Ban Giám đốc và vai trò người điều hành quản trị hàng ngày. Nếu tách bạch 3 vai trò đó sẽ hình thành tổ chức vận hành đơn giản hơn, hơn 5.000 nhân viên sẽ dễ tương tác với nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT.
Do đó, tại Tân Hiệp Phát có cả Ban cố vấn với các chuyên gia và TGĐ DN, tập đoàn đa quốc gia. Ban cố vấn chỉ làm việc duy nhất là chất vấn Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch HĐQT phải giải thích cho những người không tham gia vào quá trình điều hành về những quyết sách, hoạt động của DN, đây là sự cởi mở của người sáng lập Tân Hiệp Phát.
"Đây cũng chính là giải pháp của Tân Hiệp Phát để lựa chọn được những nhà quản trị có năng lực, đồng thời đưa cả những nhân sự từ bên ngoài vào, phát triển DN bền vững”, bà Phương cho biết. Hiện tại, Tân Hiệp Pháp đã xây dựng được một yếu tố văn hoá vô cùng quan trọng, đó là văn hoá ghi nhận những người xung quanh. Đây là một nét văn hoá chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.
Là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ, ông từng đi tìm hiểu và tham quan nhiều mô hình DNGĐ tại Thái Lan, Đài Loan và nhận thấy, trong DNGĐ, việc học cách tôn trọng và gần gũi nhau và điều vô cùng quan trọng. Quá trình thường xuyên trao đổi cũng là cách để các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn khi cùng nhau lãnh đạo DNGĐ. Niềm tin, lòng tin chính là công thức có thể gắn kết từng thành viên trong DNGĐ…
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, chỉ 30% DNGĐ trên thế giới chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 2; 12% DN chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 3 và và chỉ 3% DN chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 4.
Tình yêu là động lực cho DNGĐ phát triển
Tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, DNGĐ hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Hiện, 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các DNGĐ với những tập đoàn có thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder… Tại Việt Nam, 100 DNGĐ lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều DNGĐ và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Công, Kido…
Để thành công trong DNGĐ, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. “Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy, DN mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những thế hệ tiếp theo khi kế nghiệp cũng phải xác định là kế nghiệp sáng tạo, không đơn giản chỉ là kế thừa. Đặc biệt, Chủ tịch VCCI khẳng định, tình yêu gia đình chính là động lực cho DNGĐ phát triển. Doanh nghiệp gia đình như một con tàu, mỗi thế hệ kế nghiệp là lắp thêm 1 toa mới, những bánh lái và đường ray của nó phải được thiết kế theo nguyên tắc kỹ trị chuyên nghiệp.
Theo ông David Tay - Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam, 5 yếu tố dẫn đến thành công khi xây dựng kế hoạch chuyển giao DNGĐ ở thế hệ thứ nhất gồm: Thế hệ thứ nhất phải xác định được họ muốn để lại gì, chuyển giao như thế nào cho thế hệ sau. Thứ hai, họ phải xác định được một kế hoạch chuyển đổi lãnh đạo thế nào. Thứ ba, là có đội ngũ cố vấn phù hợp hơn để việc chuyển giao được dễ dàng hơn. Thứ tư, là tiếng nói và và sự tư vấn từ Hội đồng quản trị của công ty, bởi đây chính là đội ngũ có góc nhìn đa dạng, họ đối mặt với sự thay đổi liên tục trước thời dại kỹ thuật số nên họ hoàn toàn có thể đưa ra lời khuyên giúp chuyển giao kế hoạch thành công. Cuối cùng, xác định điều cần cải tiến trong kế hoạch kế nghiệp và được xem là điều cần thiết trong kế hoạch kế nghiệp.
Cùng với đó, 5 bước cho thế hệ kế cận để chuyển giao thành công gồm: Thế hệ kế nghiệm thứ hai xác định được điều gì chờ mình ở phía trước, ai là người được kế nghiệp. Thứ hai, thế hệ kế nghiệp thứ hai cần được trao đổi với thế hệ thứ nhất để nhận thấy rằng quan điểm và suy nghĩ của mình được lắng nghe. Thứ ba, thế hệ kế nghiệp thứ hai cần hệ thống tư vấn pháp lý và thuế tốt để tiết kiệm thời gian. Thứ tư, trao cho thế hệ kế nghiệp những nhà cố vấn giỏi. Thứ năm, thế hệ kế nghiệp cần được chuyển giao công việc một cách rõ ràng.
Ngoài ra, ông David Tay cũng lưu ý rằng, đối với thế hệ kế cận, họ cần học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài, giúp họ hiểu thế nào là giá trị của việc đi làm thuê, hiểu được ý tưởng làm thế nào cho DN của chính mình.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quá trình chuyển giao kế nghiệp trong các DNGĐ làm thế nào được càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại là làm thế nào để DN chuyển giao với tầm nhìn rộng hơn, chiến lược tốt, hài hoà lợi ích giữa DN và cộng đồng. Đồng thời phải tách biệt giữa hoạt động sở hữu và điều hành công ty, phải chọn được người có năng lực, nếu trong thế hệ tiếp theo chưa có năng lực quản trị hãy chờ đến thế hệ tiếp theo nữa.
“Ở một số nước có hiến pháp gia đình để bảo vệ các thành viên trong gia đình khi xảy ra tranh chấp, dù việc để xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong DNGĐ là điều không ai mong muốn. Do đó, tôi đề xuất Chính phủ cùng các chuyên gia ngồi đây cùng nhau nghiên cứu một bản Hiến pháp gia đình để bảo vệ các thành viên trong gia đình”. Bà Trần Thị Tuyến Ánh - Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch). |