Đức-Pháp-Ba Lan gửi cảnh báo cứng rắn đến Nga dù vẫn mong muốn đối thoại
Kinhtedothi - Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 8/2, lãnh đạo Đức, Pháp và Ba Lan nhấn mạnh rằng "bất kỳ hành động xâm lược quân sự mới nào của Nga đối với Ukraine sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và phải trả giá đắt".
Hãng tin Tass cho biết, tối 8/2, trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại thủ đô Berlin (Đức), các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ba Lan kêu gọi Nga bắt đầu một cuộc đối thoại thực chất về các vấn đề an ninh châu Âu và giúp xoa dịu tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nhóm họp tại Berlin vào ngày 8/2 theo định dạng Tam giác Weimar. Định dạng này được thành lập vào ngày 28-29/8/1991, mục đích ban đầu là nhằm đưa Ba Lan tiến gần hơn tới Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Những người đứng đầu Tam giác Weimar đã nêu bật cam kết của họ về các nỗ lực chung vì mục tiêu củng cố cấu trúc an ninh châu Âu - xuyên Đại Tây Dương" - tuyên bố chung nêu rõ.
Theo tuyên bố chung, Đức, Pháp và Ba Lan tiếp tục tuân thủ những nguyên tắc nêu trong "các văn kiện khác nhau của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). “Ba nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong hành động với đối tác EU và đồng minh NATO nhằm đảm bảo an ninh và hòa bình ở châu Âu - Đại Tây Dương", tuyên bố chung của Đức-Pháp-Ba Lan cho biết.
Ba nhà lãnh đạo "hối thúc Nga góp phần hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới Ukraine và bắt đầu một cuộc đối thoại thực chất về an ninh châu Âu". Họ cũng tuyên bố "sẵn sàng tham gia trên tinh thần xây dựng các cuộc đối thoại chi tiết và có kết quả về các vấn đề an ninh cùng quan tâm".
Ngoài ra, Đức-Pháp-Ba Lan cảnh báo, "bất kỳ một cuộc tấn công quân sự mới nào của Nga nhằm vào Ukraine sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng và phải trả giá đắt".
Các nhà lãnh đạo ba nước thống nhất quan điểm rằng, NATO cần "liên tục xem xét lại chiến lược phòng thủ và răn đe", đồng thời sẵn sàng đưa ra những điều chỉnh cần thiết nếu tình hình an ninh xấu đi, kể cả theo sáng kiến Tăng cường hiện diện phía trước.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới Kiev và Moscow trong các ngày 14 và 15/2 để thảo luận về các biện pháp giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ngày 8/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Kiev tuân thủ Thỏa thuận Minsk, nền tảng duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở đông nam Ukraine.
Trước đó, trong nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine, nhà lãnh đạo Pháp đã có cuộc gặp kéo dài 5 giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hôm 7/2. Phát biểu trước cuộc hội đàm với người đứng đầu Điện Kremlin, Tổng thống Macron tuyên bố việc đối thoại với Nga là giải pháp hiệu quả nhất để hạ nhiệt căng thẳng Moscow-Kiev, đồng thời khẳng định chỉ có giải pháp ngoại giao mới có thể đảm bảo an ninh và ổn định ở châu Âu.
Quan hệ Nga - phương Tây leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây, khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga sẽ triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ điều này và khẳng định không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moscow cáo buộc NATO đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Ukraine kêu gọi không nên tin vào “tiên đoán về ngày tận thế”
Kinhtedothi - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã hạ thấp khả năng hành động quân sự của Nga bất chấp cảnh báo của phương Tây, cho rằng không nên tin vào “những lời tiên đoán về ngày tận thế”.
EU “đau đầu” tìm cách đảm bảo an ninh năng lượng giữa căng thẳng Nga-Ukraine
Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo EU đang nỗ lực “ngoại giao con thoi” để tìm “lối thoát hiểm” cho an ninh năng lượng châu Âu khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang thời gian qua đã “phủ bóng đen” lên thị trường khí đốt, vốn ghi nhận mức tăng kỷ lục vào cuối năm 2021.
Đức khó xử trong khủng hoảng Ukraine vì Nord Stream 2?
Kinhtedothi - Đường ống Nord Stream 2, dẫn khí đốt tự nhiên của Nga dưới biển Baltic đến Đức, không qua Ukraine, là một trong những điểm gây khó cho Thủ tướng Scholz khi đối đầu với Nga.