Gìn giữ hồn cốt, đưa ẩm thực Hà Nội vươn xa
Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL vừa ghi danh tri thức dân gian phở Hà Nội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy giá trị ẩm thực vào phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Ẩm thực Hà Nội phong phú và đặc sắc
Hà Nội là địa phương có văn hóa ẩm thực được đánh giá tinh túy, nhiều món ngon vượt khỏi ranh giới quốc gia, chinh phục cả những chính trị gia nổi tiếng thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Barack Obama; cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande; Hoàng tử Anh William…
Khách du lịch đến Hà Nội đều mong muốn được thưởng thức ẩm thực, nhất là những món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Trong đó, nổi danh là phở, bún chả, cốm, cà phê trứng... Hà Nội có nhiều tuyến phố chuyên doanh ẩm thực như: Tạ Hiện, Mã Mây, Cầu Gỗ, Đồng Xuân, Lương Ngọc Quyến, Tống Duy Tân, Hàng Cót…
Nhiều món ăn được các trang du lịch nước ngoài vinh danh, đưa vào cẩm nang du lịch cho du khách khi đến Hà Nội. Năm 2023, 3 nhà hàng của Hà Nội được gắn 1 sao Michelin (Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới).
Mới đây nhất, phở Hà Nội được Bộ VHTT&DL ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc ghi danh phở không chỉ là tôn vinh những giá trị truyền thống, mà còn là lời mời gọi bạn bè quốc tế đến với Hà Nội, đến với Việt Nam, để cảm nhận và yêu mến nền văn hóa đặc sắc nơi đây.
Mỗi bát phở không chỉ là một món ăn, mà còn là một câu chuyện về lịch sử, về sự khéo léo và sáng tạo của người Việt. Điều này góp phần làm cho du khách khi thưởng thức phở không chỉ cảm nhận được hương vị đậm đà, mà còn thấu hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và con người Việt Nam.
"Quan trọng hơn, ghi danh phở còn là việc gìn giữ một phần hồn cốt của dân tộc, bảo đảm rằng những giá trị truyền thống được tiếp tục truyền lại cho các thế hệ mai sau. Hành trình bảo tồn phở là hành trình của lòng tự hào và ý thức trách nhiệm, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản và tương lai" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Phát huy tiềm năng
Hà Nội đang sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ẩm thực thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khai thác, quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu có thể kể tới Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội diễn ra thường niên đã tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Hà Nội, xây dựng và khai thác thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, các hoạt động đó mới dừng ở mức quảng bá văn hóa ẩm thực và cũng chưa đủ lực để đưa ẩm thực Hà Nội vươn tầm cao hơn. Trong khi đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định ẩm thực là một trong số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo các chuyên gia, để ẩm thực Hà Nội có thể thực sự phát huy tiềm năng, lợi thế của mình trong công nghiệp văn hóa, cần nhìn nhận ẩm thực qua lăng kính của văn hóa và di sản. Cần phải đầu tư vào việc làm nổi bật những giá trị này, bằng cách tạo ra các không gian trải nghiệm ẩm thực không thể quên, nơi mà mỗi thực khách không chỉ được thưởng thức món ăn, mà còn được sống trong một phần của lịch sử và văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ: “Hãy tưởng tượng những khu phố ẩm thực không chỉ đơn thuần là nơi để ăn uống, mà là địa điểm hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, nơi những câu chuyện về từng món ăn được kể lại bằng sự sáng tạo và đam mê. Các sự kiện và lễ hội ẩm thực có thể trở thành những ngày hội lớn, nơi mọi người từ khắp nơi trên thế giới hội tụ để trải nghiệm sự phong phú, độc đáo của ẩm thực Hà Nội".
Cùng với đó, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các món ăn đặc sản là cơ hội để khẳng định vị thế của ẩm thực Hà Nội trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Hãy để những món ăn truyền thống trở thành đại sứ văn hóa, đưa câu chuyện về Hà Nội và Việt Nam đến với mọi ngóc ngách của thế giới. Hãy để những bát phở, những đĩa bún chả không chỉ đơn thuần là món ăn, mà là cầu nối giữa các nền văn hóa, mang theo sự giao lưu và kết nối mà mỗi món ăn đều chứa đựng.
Về nguồn nhân lực, các chuyên ra cho rằng, đào tạo và phát triển nhân lực không chỉ là việc nâng cao tay nghề, mà là một phần của hành trình gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa. Các đầu bếp, nghệ nhân không chỉ là người chế biến món ăn, mà là những người gìn giữ, truyền tải những bí quyết và nghệ thuật nấu ăn qua các thế hệ. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho những người thực hành phát triển và sáng tạo, để từng món ăn không chỉ là sản phẩm của nghề mà còn là một tác phẩm nghệ thuật văn hóa.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế và xuất khẩu ẩm thực đặc sản là những con đường mở rộng tầm ảnh hưởng của ẩm thực Hà Nội ra thế giới. Với những giải pháp sáng tạo, ẩm thực Hà Nội sẽ không chỉ duy trì được giá trị văn hóa truyền thống mà còn trở thành biểu tượng mạnh mẽ trong công nghiệp văn hóa toàn cầu.
Đây là thời điểm để mỗi cá nhân, tập thể cùng nhau viết tiếp câu chuyện tuyệt vời của ẩm thực Hà Nội, biến mỗi món ăn thành một phần của di sản văn hóa thế giới và mỗi trải nghiệm ẩm thực thành một cuộc hành trình không thể quên.
Hợp tác công tư - đòn bẩy để phát triển công nghiệp văn hóa
Kinhtedothi -Trong bối cảnh nguồn lực để phát triển văn hóa còn thấp; DN trong lĩnh vực văn hoá đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, việc áp dụng cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư là việc làm cần thiết để phát triển công nghiệp văn hóa.
Quy hoạch không gian cho phát triển công nghiệp văn hóa
Kinhtedothi - Với bề dày lịch sử, văn hóa, Hà Nội có nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế, TP đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển CNVH.
Công nghiệp văn hóa góp phần thúc đẩy du lịch của Hà Nội
Kinhtedothi-6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy "về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" từ TP đến cơ sở đã tích cực triển khai chương trình, đạt kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực…