Hà Nội: Công bố giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cốm làng Vòng”
Kinhtedothi - Ngày 8/5, UBND phường Dịch Vọng Hậu tổ chức Hội nghị Công bố quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cốm làng Vòng”.
Phát biểu tai Hội nghị, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng cho biết: “Năm 2018, phường Dịch Vọng Hậu đã đứng ra hỗ trợ cho Hội Nông dân của phường liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm cốm làng Vòng. Sau khi hoạt động được một thời gian, TP có chủ trương các quận nội thành giải thể các Hội Nông dân.
Do vậy, đến giữa năm 2019, phường Dịch Vọng Hậu báo cáo lên quận Cầu Giấy, thành lập Hợp tác xã cốm làng Vòng để duy trì làng nghề. Sau khi thành lập, Hợp tác xã có tư cách pháp nhân. Khi đó, chúng tôi mới liên hệ với Sở Công Thương để hướng dẫn làm mới đăng ký thương hiệu cho hợp tác xã. Đến hôm nay, chúng tôi mới tập trung bà con lại để công bố và định hướng phát triển làng nghề. Sau này, chúng tôi sẽ phối hợp làng nghề định hướng phát triển du lịch tâm linh ở Đình Hậu và chùa Thánh Chúa” - ông Nguyễn Quang Thắng cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Thắng cho biết thêm: “Thời gian tới, phường Dịch Vọng Hậu sẽ hỗ trợ bà con chuẩn bị xây dựng khu vực sản xuất cốm để đảm bảo quy trình sản xuất về VSATTP; liên hệ điểm thuận lợi để ký hợp đồng mua nguyên vật liệu đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo khâu tiêu thụ cho người dân.
Bên cạnh đó, Phường đã đề xuất quận địa điểm giới thiệu sản phẩm. Ở đó, chúng tôi dự định trưng bày các công cụ sản xuất cốm từ xưa đến nay và các quầy giới thiệu cốm chính thức của nhãn hiệu cốm làng Vòng cho bà con”.
Chính quyền địa phương trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho thành viên Hợp tác xã Cốm làng Vòng. Ảnh: Lại Tấn. |
Người dân làng Vòng vẫn tâm huyết với nghề truyền thống từ bao đời nay với miếng cơm manh áo nhưng giờ đây lực bất tòng tâm, không còn điều kiện đi gặt lúa ở nơi xa cách nhà hàng mấy chục cây số không đảm bảo an toàn về sức khỏe cũng như tính mạng con người, nên làng cốm có nhiều bước thăng trầm”.
Nhiều người cũng lo ngại sẽ mất nghề cốm truyền thống hàng bao đời nay mà xót xa, mủi lòng, nuối tiếc day dứt tìm cách tháo gỡ, có kế hoạch để bảo tồn, phát triển, giữ gìn sản phẩm cốm Vòng trong thời kỳ hội nhập.
Hiện tại, phường vẫn có gần 10 lò cốm đang hoạt động với trên 70 người cùng tham gia giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm. Từ chỗ chuyên làm bằng chân tay, nay đã có máy móc như mô tơ lắp vào cải tiến thành chày máy, máy rang, máy sàng cốm. Ruộng không còn, các hộ gia đình đi mua nếp ở các huyện Đông Anh, Mê Linh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… Cốm làng Vòng đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, hội thảo với các công ty ẩm thưc nước ngoài.
Ngày nay cốm làng Vòng vươn ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Đức, Pháp, Canada... kể cả cốm tươi, cốm sấy khô (loại cốm này không cần để tủ lạnh và bảo quản được 12 tháng).
Tại hội nghị, Giám đốc Hợp tác xã Cốm làng Vòng Đỗ Thị Tuyên chia sẻ: "Mong các cấp lãnh đạo có cơ chế chính sách giúp cho làng nghề được ngày càng phát triển trong thời kỳ đô thị hóa và hội nghập kinh tế quốc tế”.
Cụ thể, đại diện Hợp tác xã mong muốn sớm có quy hoạch vùng trồng lúa ở một địa phương phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, không gian, thời gian; Quy hoạch khu chế biến và giới thiệu sản phẩm cốm, bánh cốm làng Vòng; Quy hoach và tạo hành lang pháp lý khu hoặc phố thương mại cốm gắn với du lịch làng nghề cốm; Hỗ trợ và tạo điều kiện để giữ gìn thương hiệu cốm, bánh cốm làng Vòng; Hỗ trợ và có chính sách kết nối hợp tác đưa cốm làng Vòng ra các trung tâm thương mại nước ngoài.