Hà Nội khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch
Kinhtedothi - Sáng 27/5, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Thành ủy Hà Nội đã khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch Bí thư, Phó Bí thư quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đây là lớp thứ 8 trong thực hiện Đề án 04-ĐA/TU ngày 20/9/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng dự và phát biểu chỉ đạo lớp bồi dưỡng.
Tham gia lớp học có 87 học viên là cán bộ nguồn quy hoạch Bí thư, Phó Bí thư quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Lớp bồi dưỡng được tổ chức từ ngày 27/5 - 7/6 và bao gồm 2 học phần với 15 chuyên đề, nghiên cứu thực tế. Các học viên sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo T.Ư và TP truyền đạt, quán triệt, bổ sung, cập nhật những kiến thức mới; kết quả tổng kết, lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Đồng thời, lớp bồi dưỡng cũng chú trọng bồi dưỡng kỹ năng hoạt động thực tiễn; trang bị, hoàn thiện những kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo và xử lý tình huống... Kết thúc lớp bồi dưỡng, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo TP sẽ trực tiếp phỏng vấn, kiểm tra nhận thức và đánh giá kết quả học tập của mỗi học viên.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, nguồn nhân lực là các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, ý thức trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức thì đây cũng là dịp giúp các đồng chí cán bộ nguồn trao đổi kinh nghiệm công tác và tăng cường học hỏi. Từ đó, phối hợp hiệu quả hơn trong công việc và giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị TP.
Để lớp bồi dưỡng đạt kết quả như mục đích, yêu cầu đã đề ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất, nội dung, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Kết thúc lớp bồi dưỡng, cần nghiêm túc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của từng học viên trong suốt quá trình đào tạo.
Đối với các học viên cần thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế, quy định trong suốt thời gian học tập. Tập trung tiếp thu, học tập các kiến thức, kỹ năng mà giảng viên truyền đạt. Nghiêm túc thực hiện viết báo cáo thu hoạch, khóa luận tốt nghiệp. Trong đó, cần tích cực tư duy tìm tòi để đề xuất những sáng kiến trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bản thân cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, sau khi kết thúc lớp bồi dưỡng các đơn vị có nhiệm vụ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về những ưu điểm và hạn chế trong các khâu tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn nói riêng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung để tham mưu hiệu quả hơn cho các lớp bồi dưỡng sau.