Hà Nội: Tạm dừng bán 600 biệt thự Pháp cổ
Kinhtedothi - TP Hà Nội quyết định tạm dừng bán quỹ 600 căn biệt thự Pháp cổ để thực hiện rà soát tổng thể các nội dung có liên quan. Sau khi có kết quả rà soát, TP sẽ báo cáo chi tiết với các cấp có thẩm quyền.
Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết tại buổi họp báo về công tác quản lý sử dụng các biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP chiều 19/4.
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm dừng việc bán quỹ 600 biệt thự cũ để rà soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền.
"Sau khi có kết quả rà soát sẽ công bố thông tin, bao gồm cả vấn đề về việc quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp quản lý, bảo tồn" - ông Trương Việt Dũng thông tin.
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh đã thông tin khái quát về công tác quản lý, sử dụng, bảo tồn quỹ biệt thự cổ trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là đối với 600 biệt thự đang được TP Hà Nội tiếp tục bán theo như phản ánh của báo chí mấy ngày qua.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, qua rà soát, Hà Nội được phép bán 600 biệt thự cũ theo đúng quy định của pháp luật. Các biệt thự này thuộc dạng đan xen sở hữu, gồm 5.686 hộ ký hợp đồng thuê. TP Hà Nội đã ký hợp đồng bán với 4.973 hộ, hiện nay còn 713 hộ, tương đương 713 hợp đồng chưa bán (563 ngôi chính, 150 ngôi phụ).
Về đối tượng bán, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nêu rõ, là những phần diện tích đã bố trí cho các hộ gia đình cán bộ công nhân viên chức được sử dụng phân phối nhà, cho thuê nhà có hợp đồng với Nhà nước, chứ không phải bán rộng rãi ra với tất cả đối tượng.
Nguyên tắc bán theo trình tự hồ sơ đã được các văn bản pháp lý có liên quan quy định rõ.
Thông tin thêm về việc quản lý danh mục bảo tồn và công tác quản lý biệt thự trong thời gian hiện nay, ông Mạc Đình Minh cho biết, qua rà soát, Hội đồng thẩm định TP Hà Nội và tổ công tác liên ngành đã báo cáo TP Hà Nội toàn bộ danh mục đang quản lý là 1.216 biệt thự.
Trong số này, có 367 căn thuộc sở hữu nhà nước; 372 biệt thự đan xen sở hữu và 117 biệt thự có sở hữu thuộc một tư nhân. Số biệt thự phân theo nhóm gồm: 222 biệt thự thuộc nhóm 1; 356 biệt thự thuộc nhóm 2và nhóm 3 là 638. TP Hà Nội cũng đang tiếp tục rà soát điều chỉnh để công tác bảo tồn biệt thự quản lý biệt thự đi vào nền nếp.
Trước đó, nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 10-Ctr/TƯ của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025 ”, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 1216/QĐ-UBND về việc ban hành chuyên đề: “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.
Một trong những giải pháp tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu Nhà nước, đang bán dở dang, hiện do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định liên quan.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội sẽ rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán để xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.
Chi tiết khu dân cư ngoài bãi sông Hồng được bảo tồn và di dời
Kinhtedothi - Nhiều nội dung quan trọng tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được Hà Nội phê duyệt đang được người dân rất quan tâm như khu vực dân cư hiện hữu nào được giữ lại, khu nào phải di dời; khu vực các bãi sông được quy hoạch, xây dựng ra sao…
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Sớm ban hành hệ số bồi thường
Kinhtedothi - Theo đánh giá, Nghị định 69/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó xác định rõ việc lập, phê duyệt kế hoạch cho đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..., được kỳ vọng đẩy mạnh tiến trình đã ách tắc nhiều năm qua.
Cải tạo, chỉnh trang các công trình biệt thự Pháp: Hướng đến mục tiêu kép
Kinhtedothi - Trước nguy cơ biệt thự Pháp dần bị xuống cấp, mai một, TP Hà Nội đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, lưu giữ những công trình tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội.