Hà Nội: Tất bật vựa quất cảnh ven sông Hồng những ngày cận Tết
Kinhtedothi - Gần 10 năm trước, cây quất được đưa về trồng trên những đồng bãi thuộc xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đó cũng là thời điểm đời sống của nhiều nông hộ nơi đây đổi thay tích cực.
Những ngày cận Tết Quý Mão 2023, có dịp về với xứ đồng xã Vạn Phúc, có thể dễ dàng bắt gặp không khí lao động sản xuất hăng say của bà con nông dân nơi đây. Anh Nguyễn Văn Trai (thôn 2, xã Vạn Phúc), vừa chăm chút cho những gốc quất cảnh vừa bảo, chưa biết giá quất cao thấp ra sao, nhưng sức tiêu thụ tốt hơn năm trước.
Gia đình anh Trai có khoảng 2.000 gốc quất cảnh. Trong số này, có hơn 1.200 quất chum (quất cảnh được trồng và chăm sóc trong chum). Theo anh Trai, quất chum cho giá trị kinh tế cao hơn so với các loại quất cảnh trồng trong chậu thông thường. Một phần cũng bởi được nhiều gia đình lựa chọn do phù hợp với không gian nhà.
Phấn khởi hơn, theo anh Trai, toàn bộ khu sản xuất với hàng ngàn gốc quất cảnh, quất chum của gia đình đã được thương lái khắp nơi về thu mua. Vụ quất cảnh Tết Quý Mão năm nay, gia đình anh Trai dự kiến có thể thu về hơn 1 tỷ đồng tiền hàng; trong đó lợi nhuận thường không dưới 50%.
Gia đình anh Trai là một trong những hộ đầu tiên đưa quất cảnh về trồng tại xứ đồng bãi của xã Vạn Phúc. Kể từ đó đến nay, hàng chục hộ dân đã học hỏi và phát triển nghề trồng quất cảnh nơi đây.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Vạn Phúc Nguyễn Anh Huy cho biết, từ năm 2013, sau quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, bà con nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong số này, quất cảnh và cây ăn quả là hai loại cây trồng mang lại giá trị cao nhất.
Theo anh Huy, trong tổng số 130ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Vạn Phúc, diện tích trồng bưởi hiện chiếm khoảng 60ha. Cùng với cây quất trồng truyền thống, những năm gần đây, bà con đẩy mạnh phát triển quất chậu, quất chum, quất bonsai.
Đáng chú ý, việc tiêu thụ quất cảnh của người dân xã Vạn Phúc khá thuận lợi. Trừ hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, quất cảnh nơi đây thường được bán hết từ trước dịp Tết Nguyên đán đến 1 – 2 tháng, dù giá cả thì vẫn có biến động ít nhiều qua từng năm.
Theo Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Mạnh Thắng, nhờ hiệu quả các mô hình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, trong đó có việc đưa quất cảnh về trồng ở vùng đất bãi, thu nhập của người dân trên địa bàn xã từng bước được cải thiện; hiện đã đạt gần 66 triệu đồng/người/năm. Đến nay, xã không còn hộ nghèo.
Trong thời gian tới, xã Vạn Phúc sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng quất cảnh và các loại cây ăn quả tại vùng bãi ven sông Hồng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thông qua mạng xã hội, kênh thương mại điện tử; phấn đấu hình thành một điểm du lịch sinh thái thu hút được du khách đến thăm quan, mua sắm sản vật…
Người dân đổ xô đi tìm cây cảnh độc, lạ đón Tết Quý Mão 2023
Kinhtedothi - Bên cạnh các loại cây trang trí đón Tết đã có từ xưa như: đào, quất, năm nay, trên địa bàn TP đã có sự góp mặt của đa dạng thêm nhiều loại khác như: đu đủ bonsai, mía tím...
Nông nghiệp Hà Nội phải là điển hình của cả nước về khoa học công nghệ
Kinhtedothi - Hà Nội đang phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Trong đó khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Chợ hoa Hàng Lược nhộn nhịp những ngày cận Tết Nguyên đán 2023
Kinhtedothi - Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, chợ hoa xuân hàng Lược (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) lại tấp nập người dân tới mua sắm đồ trang trí Tết và tận hưởng không khí xuân đang về.