Hà Nội thí điểm Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố trong quý III/2022
Kinhtedothi – Dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo của TP Hà Nội sẽ đảm bảo chính xác, đầy đủ, minh bạch, tiến tới báo cáo theo thời gian thực.
UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND về xây dựng, triển khai và quản lý vận hành Hệ thống thông tin báo cáo TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Mục đích của kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác lập báo cáo, thống kê và thực hiện báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp xã đến cấp TP được thống nhất và dùng chung trên địa bàn toàn TP.
Đồng thời, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực; dữ liệu báo cáo đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời, tiến tới thiết lập báo cáo theo thời gian thực, báo cáo số thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phối hợp, phân tích dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của TP (BigData).
Ngoài ra, kế hoạch còn nhằm đảm bảo minh bạch, thống nhất về thông tin, số liệu; rõ trách nhiệm trong việc phối hợp, cung cấp và chia sẻ thông tin báo cáo giữa các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.
Theo đó, giai đoạn 1 (Quý III/2022), TP triển khai thí điểm hệ thống thông tin báo cáo TP đối với báo cáo kinh tế - xã hội tới một số sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.
Giai đoạn 2 (Quý IV/2022), TP triển khai hệ thống thông tin báo cáo TP đối với báo cáo kinh tế - xã hội tới tất cả các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đảm bảo 100% báo cáo kinh tế - xã hội của TP được triển khai trên hệ thống thông tin báo cáo của TP.
Giai đoạn 3 (năm 2023), TP triển khai hệ thống thông tin báo cáo TP đối với các chế độ báo cáo còn lại tới tất cả các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đảm bảo: 100% các chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý của TP không phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của TP; 100% các chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý của TP báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Về nhiệm vụ, TP sẽ chuẩn bị, kiểm tra, rà soát các điều kiện hạ tầng kỹ thuật; an toàn, bảo mật thông tin phục vụ việc triển khai xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo TP. Xây dựng Bộ chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP, các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực và các biểu mẫu chi tiết trình UBND TP ban hành để thực hiện trên Hệ thống thông tin báo cáo TP.
Triển khai thử nghiệm, hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụmg hệ thống thông tin báo cáo TP đối với báo cáo kinh tế - xã hội; xây dựng quy trình, quy chế. Cuối cùng, triển khai Hệ thống thông tin báo cáo TP đối với các chế độ báo cáo còn lại tới tất cả các sở, ban, ngành UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.
Văn phòng UBND TP được giao chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả, kịp thời những nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Vai trò của chuyển đổi số đối với phát triển đô thị bền vững
Kinhtedothi – Trong quá trình đô thị hóa, việc ứng dụng công nghệ số có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi số ngành xây dựng: Tận dụng tốt sẽ tạo ra giá trị lớn
Kinhtedothi - Lĩnh vực xây dựng chiếm 30 - 40% tổng vốn đầu tư xã hội. Do đó, việc chuyển đổi số trong ngành này không những sẽ tạo ra giá trị thặng dư vô cùng to lớn cho xã hội, mà còn tối ưu năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ.
Chuyển đổi số báo chí: Đột phá từ tư duy
Kinhtedothi - “Chuyển đổi số không phải là câu chuyện về công nghệ mà là về tư duy. Khi thay đổi tư duy, chúng ta thậm chí sẽ tạo ra một văn hóa mới trong tòa soạn”...