Hàng sứa đỏ gia truyền nức tiếng Hà thành
Kinhtedothi - Sứa đỏ đã trở thành thức quà chiều cho ngày hè oi ả ở Hà Nội. Món ăn độc đáo này không chỉ thu hút bởi hương vị mới lạ mà còn bởi cách thưởng thức vô cùng thú vị.
Gìn giữ nghề gia truyền
Không được phổ biến như sứa trắng, sứa đỏ chỉ xuất hiện ở vùng biển Hải Phòng, Nam Định hay Thái Bình. Loại sứa này có màu đỏ đặc trưng, trong như thạch. Phần thân chúng mềm, mọng nước còn phần chân lại dai giòn sần sật, không cần ướp lạnh nhưng khi ăn vẫn có cảm giác thanh mát.
Điểm khác biệt là sứa đỏ chỉ xuất hiện theo mùa, bắt đầu từ giữa tháng Giêng đến tháng 5 Âm lịch hàng năm. Chính vì vậy, việc thưởng thức món sứa đỏ càng trở nên đặc biệt hơn. Nhiều thực khách Hà thành cũng tranh thủ ghé các hàng quán để thưởng thức trước khi hết mùa.
Được biết, các ngư dân sau khi đánh bắt sứa sẽ ngâm ngay chúng vào thùng nước pha sẵn rễ hoặc vỏ cây sú vẹt để khử mùi tanh và giúp sứa không bị tan, cũng nhờ đó mà sứa chuyển màu đỏ au và căng mọng.
Nối tiếp nghề truyền thống mà gia đình để lại, bà Phạm Thuý Lập (62 tuổi) cùng chị chồng đang tiếp quản hàng sứa đỏ bà Ngữ gia truyền trên phố Lê Văn Hưu. Bà Lập chia sẻ: “quán sứa đỏ bà Ngữ là của bà ngoại chồng tôi để lại. Vì muốn gìn giữ nghề gia truyền này nên tôi đã được chị chồng chỉ cho cách làm. Đến tôi là đời thứ 4 bán sứa”. Theo bà Lập, sứa đỏ phải được cắt từ thanh tre/cật nứa để không bị tanh và giữ được tối đa nước trong thân sứa. Khi cắt, mùi tre hoà quyện vào làm cho miếng sứa thơm hơn. Hơn nữa, do từ đời bà và chị chồng đã dùng nên cô vẫn giữ thói quen truyền thống này.
Sứa đỏ được gia đình bà Lập nhập tươi từ Hải Phòng. Sau khi chúng được vận chuyển lên Hà Nội, gia đình bà sẽ rửa lại thật sạch rồi thực hiện muối lại với nước pha sẵn rễ hoặc vỏ cây sú vẹt để sứa được lên màu đỏ sẫm hơn và có thể khử đi mùi tanh. Sứa khi đã đạt độ nhạt vừa phải (sau khoảng 4-5 ngày) sẽ được rửa tiếp cho sạch rồi ngâm cùng nước lọc trong chậu sành lớn. Được biết, chiếc chậu này là kỷ vật cuối cùng được bà Ngữ để lại.
Không chỉ có màu sắc bắt mắt, món sứa đỏ còn gây thương nhớ bởi hương vị đặc biệt từ bát nước chấm. Bà Lập cho biết, người Hải Phòng sẽ chấm sứa đỏ với giấm bỗng pha trưng với cà chua, mẻ nhưng ngoài Hà Nội lại chấm món này với mắm tôm tạo nên mùi vị đậm đà đặc trưng.
“Để có được bát nước chấm có vị thơm ngon nhất, gia đình tôi phải đặt mắm tôm từ Nghệ An chuyển ra rồi pha chế theo công thức gia truyền mà bà Ngữ để lại”- vừa nói, bà Lập vừa múc nước chấm ra bát xếp lên khay cho khách.
Cách ăn sứa đỏ vô cùng đặc biệt, sứa sẽ được xắt thành từng miếng nhỏ ăn kèm với đậu nghệ nướng, cùi dừa thái mỏng và cuốn cùng rau kinh giới, tía tô rồi chấm đẫm vào bát mắm tôm đã được pha sẵn ớt, chanh. Miếng sứa thanh mát, giòn dai quyện cùng vị bùi của dừa non, vị béo ngậy của đậu nghệ nướng cùng vị đậm đà của mắm tôm tạo nên một hương vị đặc biệt, khó quên.
Sứa đỏ thanh mát “đốn tim” thực khách
Quán sứa được mở bán từ 12 giờ trưa tới 8 giờ tối nằm ngay ở góc phố Lê Văn Hưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cao điểm nhất là khoảng 3 – 4 giờ chiều, quán sứa đỏ gia truyền lúc nào cũng chật cứng khách. Nếu đến vào ngày cuối tuần, thực khách phải chờ khoảng 15 – 20 phút mới có bàn.
Mỗi suất sứa được gia đình bà Lập bán với giá từ 60.000 đồng/suất. Tuy mức giá có cao hơn so với nhiều hàng quán khác nhưng bà Lập khẳng định nó xứng đáng với giá tiền bởi đĩa sứa, đồ ăn kèm đầy đặn. Hơn nữa, thực khách sẽ được miễn phí trà đá hoặc nước lọc và cả kẹo cao su sau khi ăn xong. Không giống như nhiều hàng quán khác, quán của bà sẽ không mất cả phí gửi xe.
Theo bà Lập, cứ mỗi dịp tháng 2 – 3 mùa sứa đỏ về là gia đình bà sẽ mở cửa hàng. Khách đến đông nườm nượp khiến bà và chị chồng làm không kịp ngơi tay. Vào những ngày cao điểm, gia đình bà bán hết 3 – 4 sọt sứa, ước chừng khoảng 50 – 70kg.
Lần đầu thưởng thức món sứa đỏ, chị Phan Nguyễn Lam Giang (24 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mình thấy món này khá hay và lạ miệng, vị thơm bùi béo của dừa non kết hợp với đậu nghệ nướng cùng vị thanh mát cửa sứa đỏ rất thích hợp để giải nhiệt vào mùa hè.”
Gợi ý một số địa chỉ bán sứa đỏ ở Hà Nội:
- Sứa đỏ Cụ Gái (70 Hàng Chiếu)
- Sứa đỏ 105 (Ngõ 105 Đình Đông, phố Bạch Mai)
- Sứa đỏ 16B Đường Thành
- Sứa đỏ Chợ Đồng Xuân
- Sứa đỏ 19 dốc Hoè Nhai
Cũng có cảm nhận giống với chị Giang, chị Nguyễn Thuỳ Linh (30 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng món ăn này rất thích hợp với ngày hè nắng nóng. “Vì sứa đỏ chỉ có theo mùa nên năm nào mình cũng tranh thủ ghé các hàng quán để thưởng thức. Sứa mềm và mọng nước, dai giòn sần sật lại rất thanh mát nên giải nhiệt rất tốt”, chị Linh bày tỏ.
Sứa đỏ được coi là một trong những món ngon “trứ danh” của mùa hè, đặc biệt được các bạn trẻ yêu thích. Món ăn này đã được ưu ái gọi với những cái tên như “sashimi Việt” hay ”sashimi vỉa hè" bởi cách ăn tương tự như món sashimi Nhật Bản. Có thể nói, cách kết hợp sứa đỏ với lá tía tô đã mang lại một trải nghiệm đầy thú vị cho những thực khách sành ăn.
Festival Phở 2024: Nhiều hoạt động tôn vinh ẩm thực truyền thống
Kinhtedothi - Festival Phở 2024 tôn vinh nghề phở truyền thống, đồng thời là cơ hội giúp du khách tham quan và người dân được tìm hiểu, thưởng thức hương vị phở... Festival Phở 2024 chính thức diễn ra từ ngày 15 - 17/3/2024, tại TP Nam Định (Nam Định).
Bánh cuốn bà Hoành - nét văn hóa ẩm thực Hà thành
Kinhtedothi - Nằm trên con phố Tô Hiến Thành, Hà Nội ngót nghét gần 100 năm qua, cửa hàng bánh cuốn bà Hoành đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Hà Nội. Dân dã nhưng thu hút biết bao thực khách khi đặt chân tới Hà Nội...
Những món ăn nên thử tại Lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France 2024
Kinhtedothi - Lễ hội văn hóa ẩm thực Pháp “Balade en France” được diễn ra tại Công viên Thống nhất (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) từ ngày 5- 7/4, với gần 80 gian hàng được bày trí độc đáo với các đặc sản nông nghiệp và thực phẩm từ những nhà hàng danh tiếng, lâu đời của Pháp.