HĐND quyết sách kịp thời các vấn đề cấp bách, sáng tạo trong giám sát
Kinhtedothi - Trong năm 2023, Hội đồng Nhân dân các cấp trên cả nước đã ban hành tổng số 6.377 nghị quyết tại các kỳ họp. Đáng chú ý, TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Long là các địa phương lần đầu tiên ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Ngày mai (25/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Hội nghị diễn ra tại TP Hà Nội trong thời gian 1 ngày.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, trong năm qua mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Thực tiễn cho thấy, HĐND các tỉnh, thành phố đã luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn. Bên cạnh đó luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc triển khai thực hiện tốt các chủ trương mới của Trung ương..
Trên cơ sở ý kiến kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và căn cứ vào nghị quyết của cấp ủy địa phương, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã cụ thể hoá chương trình công tác năm 2023 của Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, thành phố với nhiều điểm mới, chất lượng, hiệu quả, các chủ trương lớn của Đảng.
Trong năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban để rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất theo kế hoạch gắn với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, thành phố.
Hầu hết các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều hòa, phân công, phối hợp thực hiện các chương trình giám sát chuyên đề, phù hợp với thực tiễn, định hướng chỉ đạo hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; chỉ đạo phát huy hiệu quả chức năng giám sát, với nhiều hình thức được thực hiện như: chất vấn, giám sát chuyên đề, thành lập đoàn giám sát, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND.
Năm 2023, HĐND các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức tổng số 357 kỳ họp (trong đó có 130 kỳ họp thường lệ; 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất) nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc công việc phát sinh đột xuất bảo đảm điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Tổng số nghị quyết được HĐND ban hành tại các kỳ họp trong năm qua là 6.377 nghị quyết, trong đó đáng chú ý là TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; tỉnh Hải Dương có số lượng nghị quyết được ban hành nhiều nhất từ trước đến nay (126 nghị quyết, trong đó 100 nghị quyết là văn bản cá biệt).
Tại kỳ họp, các nội dung nghị quyết được đại biểu xem xét thận trọng, toàn diện, khách quan, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết của Quốc hội khóa XV... với tỷ lệ đồng thuận cao. Số lượng nghị quyết được trình ký ngay sau phiên bế mạc kỳ họp ngày càng tăng lên so với các kỳ họp trước.
Công tác thẩm tra đảm bảo kỹ lưỡng, tính phản biện cao, kết hợp với hoạt động giám sát, khảo sát, chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề, tiếp xúc cử tri, do đó chất lượng các nghị quyết được ban hành ngày càng được nâng lên, bảo đảm về hình thức, nội dung nghị quyết...
Theo Kế hoạch số 716/KH-UBTVQH15 ngày 21/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024; Văn bản số 738/UBTVQH15-BCTĐB ngày 22/2/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023, TP Hà Nội được giao chủ trì, bố trí cơ sở vật chất và các điều kiện để tổ chức hội nghị.
Để triển khai nhiệm vụ, Đảng đoàn HĐND TP Hà Nội đã chỉ đạo Thường trực HĐND TP phối hợp Ban Công tác đại biểu xây dựng Kế hoạch chi tiết công tác phối hợp tổ chức hội nghị. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP chủ trì, phối hợp các Ban của HĐND TP, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND TP, Vụ Công tác đại biểu và các vụ thuộc Văn phòng Quốc hội bảo đảm công tác lễ tân, khánh tiết và đón tiếp đại biểu về dự...
Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Công an TP chủ trì, phối hợp Sở Giao thông - Vận tải, UBND quận Hoàn Kiếm, các đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự trong thời gian diễn ra hội nghị; bố trí xe cảnh sát dẫn đường đón đoàn của Trung ương theo quy định; phân luồng và đảm bảo giao thông tại các khu vực trong thời gian tổ chức hội nghị. Sở Y tế bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bố trí lực lượng y tế phục vụ hội nghị; Tổng Công ty Vận tải Hà Nội bố trí phương tiện phục vụ hội nghị, phương tiện đưa đón các Đoàn thăm quan theo yêu cầu...
HĐND các cấp TP Hà Nội giám sát đúng trọng tâm, đi sát tận cơ sở
Kinhtedothi - Trong năm 2023, hoạt động giám sát của HĐND các cấp TP Hà Nội tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, được triển khai linh hoạt, phù hợp tình hình của TP, địa phương.
Cuối tháng 3/2024 sẽ diễn ra Kỳ họp chuyên đề HĐND Thành phố Hà Nội
Kinhtedothi - Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 15) của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến sẽ diễn ra 1 ngày cuối tháng 3/2024 (trong tuần từ ngày 25/3/2024 đến ngày 29/3/2024).
Chuẩn bị tốt cho Hội nghị toàn quốc triển khai công tác HĐND năm 2024
Kinhtedothi - Chiều 11/3, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp về việc phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.