Khai thác bất động sản du lịch Hòa Bình: Quan tâm môi trường, bảo vệ lợi ích người dân
Kinhtedothi - Với ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và sức hấp dẫn các nguồn lực đầu tư mới, Hòa Bình đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng được quan tâm tại Việt Nam. Các chuyên gia lưu ý, để bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình phát triển bền vững, cần quan tâm đến môi trường và bảo vệ lợi ích người dân bản địa.
Tại tọa đàm do Tạp chí Reatimes và VIRES về “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình”, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn luận, phân tích những tiềm năng, lợi thế của Hòa Bình để đón đầu cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần của khu vực miền Bắc.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có nhiều lý do để khách hàng chọn lựa sản phẩm bất động sản để đầu tư ở những địa bàn xung quanh Hà Nội trong đó có Hòa Bình. Đó là vị trí cận kề Hà Nội với chỉ 1 giờ di chuyển do có các tuyến đường lớn kết nối như Đại lộ Thăng Long.
Bên cạnh đó, Hòa Bình có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển loại hình nghỉ dưỡng. Đơn cử như nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo, đây là một trong những nguồn nước khoáng tốt nhất Việt Nam, hoàn toàn có thể kết hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Hòa Bình còn có văn hóa Mường - đây là nền văn hóa đầy tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch.
Cuối cùng là lòng hồ Hòa Bình, theo PGS.TS Trần Kim Chung, đây là lợi thế không phải địa phương nào cũng có. Hồ Hòa Bình có tiềm năng đem lại giá trị rất lớn về du lịch mà nhiều năm nữa cũng chưa khai thác hết.
Ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, tỉnh Hoà Bình đang huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp các bến cảng du lịch, bến thuyền để đón tiếp du khách.
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình đang tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn...
Dưới góc độ là nhà đầu tư tiên phong phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Hoà Bình với dự án Sakana Spa&Resort, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Ngoại Ô đánh giá, tiềm năng bất động sản du lịch Hoà Bình có thể ví như “nồi cơm Thạch Sanh” ăn mãi không vơi, nhưng chỉ khi các chủ đầu tư phải đặt yếu tố bảo tồn thiên nhiên lên hàng đầu.
Theo ông Trung, doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy “vốn tự nhiên” là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất.
Nhiều chính sách mới liên quan đến bất động sản từ ngày 1/1/2022
Kinhtedothi - Từ ngày 1/1/2022, nhiều quy định liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) được thay đổi, tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, như: Xử phạt hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, thay đổi cách tính thuế đối với người cho thuê nhà hay quy định về vốn vay ưu đãi cho người xây nhà ở... đang được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2021: Nhiều diễn biến bất ngờ
Kinhtedothi - Năm 2021 khép lại thêm đầy dãy khó khăn đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), thị trường tiếp tục mất cân đối cung – cầu, “sốt đất” xảy ra sau mỗi đợt dịch Covid-19, nhiều cơ chế mới giúp “khơi thông” thị trường và kết thúc một năm nhiều biến động với việc đất đấu giá ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) đạt mức kỷ lục chưa từng có. Nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng rất lớn vào sự phục hồi vào năm 2022, cùng Kinh tế & Đô thị điểm lại những sự kiện nổi bật của thị trường BĐS trong năm 2021.
Bất động sản khu công nghiệp: Doanh nghiệp cần nắm bắt lợi thế “sân nhà”
Kinhtedothi - Dự báo, thị trường bất động sản khu công nghiệp trong năm 2022 tiếp tục đà tăng trưởng, do làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam vẫn diễn ra, kế hoạch mở cửa trở lại trong dịch Covid-19 của Chính phủ đã củng cố thêm niềm tin cho DN, nhà đầu tư...