Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Không khuyến khích học sinh lớp 10 thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy

Kinhtedothi – Học sinh chưa học lớp 12 có thể tham dự các kỳ thi riêng và lấy kết quả để xét tuyển đại học. Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, về mặt nguyên tắc thì không cấm nhưng cũng không khuyến khích học sinh lớp 10, 11 tham dự các kỳ thi độc lập.

Mở rộng đối tượng dự thi

Thông tin về những điều chỉnh của kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh hai chi tiết, đó là kỳ thi dành cho đối tượng học sinh đang học THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT trong và ngoài nước. Thêm vào đó, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ cấp Giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm; thí sinh có thể dùng Giấy chứng nhận này để nộp vào bất kỳ cơ sở đào tạo nào sử dụng kết quả của này để xét tuyển đại học.

Như vậy, học sinh lớp 10 và lớp 11 có thể dự thi kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội nếu có nhu cầu và kết quả thi sẽ có thời hạn sử dụng là 2 năm.

Học sinh lớp 10 chưa nên đăng ký thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (Ảnh: FB trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa)
Học sinh lớp 10 chưa nên đăng ký thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (Ảnh: FB trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa)

Phân tích về đối tượng dự thi- kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), GS.TS Nguyễn Tiến Thảo- Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cho biết, đối tượng dự thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đã được quy định rõ tại quy chế của kỳ thi. Theo đó, đối tượng dự thi là học sinh đang học lớp 12 bậc THPT hoặc tương đương; người đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương trở lên) trong thời gian 3 năm tính đến năm dự thi. Với trường hợp khác có nguyện vọng dự thi có thể liên hệ Hội đồng thi xem xét quyết định.

"Trường hợp khác có nguyện vọng" ở đây bao gồm học sinh chưa tốt nghiệp lớp 12, có thể là học sinh lớp 10 và lớp 11. “Các đối tượng này trung tâm không cấm đăng ký dự thi nhưng cũng không khuyến khích”- GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói. Theo ông, hiện chưa có thí sinh nào thuộc diện này liên hệ với Hội đồng thi.

Trước đó, ĐHQGHN và ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng lực 2023 và đánh giá tư duy 2023.

Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy- ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy toán học (60 phút), Tư duy đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với 3 mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).

Tương tự, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực- ĐHQGHN cũng gồm 3 phần: Phần 1 là Tư duy định lượng (Toán học, 50 câu hỏi – 75 phút); phần 2 là Tư duy định tính (Ngữ văn – Ngôn ngữ, 50 câu hỏi – 60 phút) và phần 3 là Khoa học (Tự nhiên - Xã hội, 50 câu hỏi – 60 phút).

Có nên thi khi chưa học lớp 12?

Lý giải lý do vì sao không khuyến khích học sinh chưa học lớp 12 tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐHQGHN được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.

Học sinh tham dự ngày hội tuyển sinh- ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: HUST)
Học sinh tham dự ngày hội tuyển sinh- ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: HUST)

Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%. Trong 3 phần thi thì phần 1 và phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10 chiếm 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11 chiếm 20% và kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm 70%. Với phần 3, kiến thức trong chương trình lớp 11 chiếm 30%, kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm 70%.

Dựa vào dải phân bố kiến thức trên, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đánh giá: "Nếu học sinh lớp 10 đi thi chỉ đạt 10/150 điểm; học sinh lớp 11 đạt tối đa 45/150 điểm. Điểm số đó là chưa đạt yêu cầu của kỳ thi và sẽ không đủ dùng để xét tuyển vào các trường ĐH. Như vậy, việc học sinh lớp 10, lớp 11 đi thi vừa gây tốn công, tốn sức, tốn kinh phí lại không đạt mục tiêu đề ra. Tôi khuyên các thí sinh, khi tham dự kỳ thi nào thì tìm hiểu thật kỹ kỳ thi đó, tránh trường hợp không tìm hiểu, khi làm bài đạt kết quả không cao lại mất tinh thần, gây tâm lý bi quan, chán nản cho chính thí sinh”.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: “Học sinh lớp 10 chưa nên dự thi đánh giá tư duy vì các kiến thức tập trung chủ yếu ở 2 năm cuối THPT, hơn nữa kỳ thi này lại mất phí. Nếu quan tâm và muốn thử sức với kỳ thi đánh giá tư duy, học sinh lớp 10 có thể tham khảo các ví dụ mẫu đã công bố, đồng thời đăng ký thi thử miễn phí vào ngày 9/4".

Được biết, năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày 10/6, 17/6, 8/7, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lần thi. Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN được tổ chức 8 đợt từ 10/3 đến hết ngày 4/6 và mỗi thí sinh chỉ được đăng ký tối đa thi 2 đợt.

 Tuyển sinh khối ngành Quân đội năm 2023 có gì mới?

Tuyển sinh khối ngành Quân đội năm 2023 có gì mới?

Tuyển sinh 2023: Cải tiến về công nghệ, giảm sai sót cho thí sinh

Tuyển sinh 2023: Cải tiến về công nghệ, giảm sai sót cho thí sinh

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Trường THCS vẫn được kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6

Trường THCS vẫn được kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6

10/01/2025 | 12:02

Kinhtedothi- Liên quan đến quy chế tuyển sinh THCS, Bộ GD&ĐT cho biết, khi thực hiện xét tuyển lớp 6, nếu số lượng học sinh đáp ứng tiêu chí vẫn vượt so với chỉ tiêu được giao thì nhà trường sẽ xây dựng tiêu chí xét tuyển riêng, trong đó có bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ