Kịch bản cho TPP khi không có Mỹ
Kinhtedothi - Bộ trưởng Thương mại Canada Francois - Philippe Champagne cho biết sẽ cùng các nước cân nhắc mọi lựa chọn để cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngay sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng đã phát thông báo sẽ rút khỏi TPP.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Thương mại Canada đang gợi ý về một thỏa thuận thương mại thay thế TPP. "Có một số quốc gia muốn tham gia các thỏa thuận thương mại song phương, hoặc tìm hiểu xem họ có thể làm gì với TPP", ông Champagne cho biết bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, giới chức các nước vẫn còn nhiều nghi ngại. Cựu Thủ tướng Canada - Stephen Harper dự báo, chắc chắn trong tình hình này, các thỏa thuận đa phương lớn về thương mại sẽ “chết”.
Mặc dù bác bỏ quan điểm trên, nhưng Bộ trưởng Thương mại Canada đồng ý rằng TPP có thể sẽ không tiếp tục theo hình thức hiện tại.
Tại WEF, cựu Thủ tướng Stephen Harper đã kêu gọi các nước ủng hộ thỏa thuận thương mại tự do, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang tăng trên toàn cầu. "Chúng ta cần tạo ra môi trường mà thương mại tự do có lợi cho tất cả, kể cả Mỹ", ông phát biểu.
Hiện, Nhật Bản là nước đầu tiên mà cả lưỡng viện đều đã thông qua TPP. Hồi giữa tháng, Thủ tướng Australia và ông Abe cũng cam kết tiếp tục theo đuổi TPP và đảm bảo hiệp định này có hiệu lực.
Giới chuyên gia cho rằng không có TPP, các nước châu Á có thể tìm đến các hiệp định thay thế. Giáo sư Kishore Mahbubani tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, phải chuẩn bị cho một thế giới khác, khi nước Mỹ đang trở thành rào cản lớn nhất với thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia - Mustapa Mohamed lại nhận định khi TPP sụp đổ, các nước có thể sẽ bị thôi thúc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng. RCEP hiện có 10 nước Đông Nam Á và các đối tác thương mại của trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.