Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: tăng công bằng, giảm áp lực
Kinhtedothi- Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Với 6 điểm mới căn bản, trong đó có việc giảm môn thi, buổi thi; thay đổi công thức tính điểm xét công nhận tốt nghiệp... có tác động mạnh mẽ, giúp tăng tính công bằng, giảm áp lực cho thí sinh.
Giảm áp lực cho thí sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2025, cùng thời điểm với kỳ thi của những năm trước đó nhưng khác biệt ở chỗ, số buổi thi và môn thi đã được giảm bớt. Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới chỉ còn 3 buổi thi, giảm 1 buổi thi so với năm 2024; gồm: 1 buổi thi môn ngữ văn, 1 buổi thi môn toán và 1 buổi thi của bài thi tự chọn với 2 môn thi.
Thí sinh được chọn 2 môn thi trong số các môn học: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ định hướng công nghiệp, công nghệ định hướng nông nghiệp, ngoại ngữ (gồm các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn). Để tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép các em được đăng ký môn thi ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang được học tại trường phổ thông.
Từ năm 2025, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn ngữ văn thông qua việc học môn ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.
Không những vậy, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Đây là điểm đổi mới nhưng vẫn tạo điều kiện cho những thí sinh đã có chứng chỉ ngoại ngữ trước đó được quy đổi thành điểm xét tốt nghiệp (nếu không xét tuyển đại học tổ hợp có ngoại ngữ).
Chia sẻ về những điểm mới tại quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em Nguyễn Hạnh Nguyên, học sinh THPT quận Ba Đình cho biết: quy chế thi quan tâm đến tất cả học sinh; đặc biệt là việc giảm môn thi, buổi thi. “Chúng em được giảm rất nhiều áp lực và thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn trước; từ đó tinh thần cũng vô cùng phấn khởi và tâp trung năng lượng vào việc học tập, ôn tập”, Hạnh Nguyên nói.
Liên quan đến công tác xét tuyển đại học năm 2025, Bộ GD&ĐT vẫn quy định, thời gian đăng ký xét tuyển là sau khi thí sinh có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT. Căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể tính toán, lựa chọn, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp với mức điểm đạt được nhằm tăng cơ hội trúng tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2025 cũng được tạo thuận lợi khi không bị khống chế số lượng nguyện vọng. Các em được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau theo nguyên tắc ngành, nghề, trường nào yêu thích thì đặt lên trên.
Tăng tính công bằng
Nhằm bảo đảm quyền lợi và thuận lợi cho thí sinh trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai chương trình (Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có 2 loại đề thi. Các thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trước năm 2025 nhưng chưa tốt nghiệp sẽ dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Còn các thí sinh đang học lớp 12 năm học 2024-2025 sẽ làm bài thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Quyết định này của Bộ GD&ĐT đã giải tỏa lo lắng, băn khoăn của nhiều thí sinh và dư luận xã hội về việc các thí sinh chưa tốt nghiệp THPT năm 2024 (hoặc những năm trước đó) có thể gặp khó khăn khi phải thi tốt nghiệp cùng thí sinh học theo chương trình mới.
Đối với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng trung cấp có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh, được chọn dự thi theo một trong hai đề thi. Từ năm 2026, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với một loại đề thi duy nhất.
Tại kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết). Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
Theo các thí sinh, việc không quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ (ví dụ từ 4,0 IELTS trở lên được quy đổi thành 10 điểm để xét tốt nghiệp) cũng là cách thức hướng đến sự công bằng cho tất cả thí sinh trong xét tốt nghiệp; không chỉ với thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng không có điều kiện thi chứng chỉ ngoại ngữ mà với cả các thí sinh sở hữu chứng chỉ; bởi rõ ràng, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4,0 khác thí sinh đạt IELTS 8,5.
Nêu quan điểm về điểm mới này, em Nguyễn Hà Anh, học sinh lóp 12 một Trường THPT tại quận Thanh Xuân cho biết: "Em có chứng chỉ IELTS 7,5. Để đạt được số điểm đó, em mất rất nhiều thời gian ôn tập với tinh thần quyết tâm cao. Và em không thấy thoải mái nếu xét tốt nghiệp, điểm quy đổi IELTS của em cũng bằng bạn đạt IELTS 4,0. Rất may, điều đó năm nay đã không xảy ra".
Trong quy định cộng điểm khuyến khích, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cũng bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên. Điều này nhằm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi được xây dựng dựa trên 3 nhóm nguyên tắc: bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; bám sát các quy định liên quan của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học hiện hành và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Cùng với đó, phương án thi cũng bảo đảm tính kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015-2023; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT và hướng đến bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh.
Bộ GD&ĐT chính thức công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố đề tham khảo 18 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động dạy, học, ôn tập ngay từ đầu năm học.
Đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2025: đúng yêu cầu, định hướng của Chương trình mới
Kinhtedothi – Theo nhận định của các chuyên gia, đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD&ĐT vừa công bố bám sát yêu cầu, mục tiêu lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, bảo đảm tính phân hóa; đồng thời đáp ứng định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Chính thức ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. So với trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới căn bản.